Tỉnh táo khi lựa chọn mỹ phẩm tế bào gốc cho da đẹp 'không tì vết'

author 10:54 24/01/2021

(VietQ.vn) - Mỹ phẩm tế bào gốc đã trở thành sản phẩm được nhiều chị em lựa chọn vì những lời khen “có cánh” tràn lan nhưng theo các chuyên gia mỹ phẩm nên thận trọng khi sử dụng sản phẩm này.

Theo thông tin từ Bệnh viện Quốc tế DNA- TP. HCM, những năm gần đây, mỹ phẩm tế bào gốc nổi lên như một “ngôi sao” làm đẹp, gây sốt trên nhiều diễn đàn của chị em phụ nữ. Đa phần sản phẩm này được rao bán với những “mỹ từ” khiến chị em phải dao động khi bắt gặp như: chăm sóc da toàn diện, giúp tái tạo và nuôi dưỡng da, chống lão hóa, đánh bay nám, tàn nhan, xóa nhăn, tăng sức đề kháng cho da, v.v.

Trung bình giá một lần làm đẹp bằng tế bào gốc từ 800 ngàn đến 9 triệu đồng, có nơi là 21 triệu đồng, mỗi đợt trị liệu kéo dài trong khoảng 10 lần. Dịch vụ làm đẹp từ tế bào gốc “sống” còn có giá đến trên 105 triệu đồng/lượt. Theo như quảng cáo thì chỉ cần trị liệu một lần trong hai tiếng rưỡi thì có thể trẻ lại 5 - 10 tuổi, da sẽ trắng, xóa được cả sẹo lõm và tái tạo da tươi mới như da em bé.

Cần thận trọng khi sử dụng mỹ phẩm tế bào gốc. Ảnh minh họa 

Điểm chung của những sản phẩm này đều được các shop hoặc người bán hàng đảm bảo không gây độc hại, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, là hàng “ngoại nhập”. Chính những yếu tố này đã làm nhiều chị em tin tưởng và sẵn sàng bỏ ra số tiền không hề nhỏ để mua mỹ phẩm tế bào gốc về sử dụng.

Tuy nhiên, các chị em nên biết rằng, tế bào gốc được sử dụng không có nguồn gốc từ con người. Thực ra, phần lớn những tế bào này xuất phát từ động vật và thực vật. Chúng được lấy từ gốc, rễ thực vật hoặc cuống rốn, nhau thai động vật. Vì vậy, khi sử dụng những mỹ phẩm tế bào gốc có nguồn gốc cho người sẽ không có tác dụng bởi kông có tế bào gốc thực vật hay động vật có khả năng phân chia hoặc tái sinh trên con người. 

Theo các chuyên gia y tế, những mỹ phẩm tế bào gốc được rao bán tràn lan trên mạng hiện nay, có đến 99% là lừa đảo. Đa phần các sản phẩm này đều có xuất xứ không rõ ràng và khi yêu cầu cung cấp giấy tờ để chứng minh thì không có. Vì thế, khi sử dụng người tiêu dùng dễ gặp phải những rủi ro nghiêm trọng như mắc phải những căn bệnh truyền nhiễm, v.v. Chị em cần biết, việc thu thập, phân tích, xử lý tách tế bào gốc, bảo quản và nuôi cấy thích hợp (từ thành phần nuôi dưỡng và điều kiện) là công việc chuyên môn có độ phức tạp cao và cần trình độ chuyên nghiệp của các chuyên gia. Vì vậy, không phải đơn vị nào cũng thực hiện được và các thương hiệu mỹ phẩm thì càng không.

Da mặt nứt nẻ, phồng rộp vì 'làm trắng da cấp tốc' bằng mỹ phẩm mua trên mạng(VietQ.vn) - Với mong muốn có làn da đẹp đón Tết, người phụ nữ tại TP HCM đã mua lọ mỹ phẩm được quảng cáo trên mạng. Kết quả khuôn mặt bị phồng rộp.

Còn theo các chuyên gia tế bào gốc Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia), đến nay Việt Nam chưa hề được tiếp cận với công bố về mặt khoa học thực sự của các phòng nghiên cứu chính thống trên thế giới đối với những dạng mỹ phẩm liên quan đến “tế bào gốc”, tin tức trên báo Sức khỏe và Đời sống. Ngay cả trong điều trị bệnh, việc sử dụng công nghệ tế bào gốc cũng khá ngặt nghèo, dè dặt vì tế bào gốc bên cạnh ưu việt nổi trội cũng có phản ứng ở khía cạnh nào đó khá giống với tế bào ung thư nên không thể khống chế được hoàn toàn.

Việc sử dụng sản phẩm tế bào gốc tại Việt Nam vẫn còn đang ở giai đoạn nghiên cứu, chỉ mới có một số BV lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương,... được phép áp dụng trong điều trị bệnh lý chứ không áp dụng trong thẩm mỹ.

Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế cũng cho biết, không cấp phép lưu hành cho bất cứ mỹ phẩm tế bào gốc nào do quy định tất cả các thành phần, sản phẩm có nguồn gốc từ những hệ, cơ quan của con người không được phép sử dụng trong mỹ phẩm. Hiện tại vẫn còn nhiều tranh cãi và ứng dụng của tế bào gốc vẫn trong vòng thí nghiệm chứ chưa có một quy trình rõ ràng trong điều trị thật sự cho bệnh nhân.

Ngay cả trên thế giới, tế bào gốc và những chất có nguồn gốc tế bào gốc thậm chí còn bị cấm dùng trong các sản phẩm mỹ phẩm tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. Kích thước của tế bào gốc khoảng 15 - 20 micromet nên chúng không thể thâm nhập qua da. Hơn nữa, nguồn tế bào gốc (nếu có) trong mỹ phẩm hoàn toàn khác với cấu trúc tế bào của người sử dụng, do vậy sẽ xảy ra phản ứng đào thải tế bào lạ và gây ra phản ứng viêm hoặc dị ứng cho người sử dụng.

Với sự tiến bộ của y học hiện đại, ngày nay có rất nhiều phương pháp làm đẹp cho chị em phụ nữ lựa chọn. Tuy nhiên, việc tìm hiểu và sử dụng phương pháp nào để làm đẹp hoặc điều trị thì chị em cần có hiểu biết rõ ràng nếu không sẽ rất dễ trở thành “chuột bạch” cho những đối tượng xấu trục lợi. Đa phần hiện nay, lợi dụng thói quen tiêu dùng “truyền khẩu” của người Việt mà phần lớn khách hàng thường bị lừa đảo một cách “ngoạn mục” trước những sản phẩm và công nghệ được gắn thêm một thuật ngữ rất chuyên môn và rất hiện đại là: “tế bào gốc”.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang