Ứng phó với phòng vệ thương mại: Doanh nghiệp cần chủ động

author 07:12 01/06/2019

(VietQ.vn) - Hiệp định CPTPP mở ra cơ hội lớn để DN Việt vươn ra toàn cầu. Song việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại là xu thế khó tránh khỏi, đòi hỏi DN cần chủ động.

Phòng vệ thương mại - vấn đề “nóng” trong hội nhập

Phòng vệ thương mại được coi là vấn đề rất nóng, bức xúc và quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2019. Xu thế các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) trong  hoạt động kinh tế quốc tế ngày càng nhiều.

Hiện nay, bất cứ hàng hoá xuất khẩu nào cũng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra áp dụng PVTM. Số lượng vụ việc PVTM ngày càng gia tăng không ngừng, đột biến so với những năm trước. Các vụ việc cũng diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp. Đặc biệt, phát sinh nhiều xu hướng mới trong các vụ kiện PVTM như: kiện chùm; kiện chống lẩn tránh thuế; kiện domino…

Ngành sản xuất thép bị áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại

Theo ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) thời gian qua, các biện pháp PVTM đối với Việt Nam gia tăng nhanh chóng, chỉ riêng năm 2018 đã có 144 vụ việc PVTM áp dụng với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, với 19 biện pháp, tăng trên 50% so với 2017. Trong số 144 vụ việc PVTM của năm 2018, có đến 81 vụ việc là chống bán phá giá, ngoài ra còn có biện pháp tự vệ.

Hiện các thị trường lớn áp dụng nhiều  biện pháp PVTM với Việt Nam là Hoa Kỳ- đang áp dụng 27 biện pháp PVTM, tiếp theo là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU. Đáng chú ý, diện mặt hàng, số lượng nước áp dụng biện pháp PVTM với Việt Nam đang tăng nhanh chóng. Trước kia, chỉ có một số mặt hàng kim ngạch XK lớn, giá trị cao như thép, thủy sản… bị điều tra, thì nay, nhiều mặt hàng kim ngạch XK nhỏ cũng nằm trong diện điều tra, nguy cơ bị áp thuế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng từng chia sẻ tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10/2018 là, xu thế áp dụng biện pháp PVTM với Việt Nam sẽ còn tiếp tục tăng lên với tất cả các đối tác trên thế giới. Đặc biệt, với những quốc gia có tăng trưởng nóng của các mặt hàng xuất khẩu, ngoài các biện pháp áp thuế, chống bán phá giá, chống trợ cấp, họ sẽ còn có quyền áp dụng thuế tự vệ. Đây là thực tế đã diễn ra với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam từ dệt may, da giày, cá tra, tôm cho đến rau quả trái cây cũng đều bị áp dụng.

Hà Nội tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chủ động phòng vệ thương mại

PVTM là nội dung quan trọng trong ứng phó hỗ trợ cho nền kinh tế và cho doanh nghiệp hội nhập kinh tế quốc tế. Các nội dung về PVTM đã được đưa vào Luật Quản lý Ngoại thương có hiệu lực từ 1/1/2018, tạo ra khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện các hoạt động PVTM nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các tranh chấp thương mại quốc tế.

Ngày 28/3/2019, Bộ Công Thương đã ra Quyết định số 755/QĐ-BCT ban hành “Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp PVTM nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến 2025”. Chương trình nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp PVTM để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam cần gắn liền với chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, đặc biệt là các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp phụ trợ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PVTM tới các doanh nghiệp; tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp về vấn đề pháp lý nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp khi tham gia vào các vụ việc PVTM. Hiện, Bộ Công Thương thực hiện Đề án tăng cường sử dụng hệ thống cảnh báo sớm để dự báo, cảnh báo sớm nguy cơ các nước áp dụng PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của nước ta, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường các nước cũng như nghiên cứu và nắm bắt thị trường Việt Nam.

Mấy năm gần đây, Việt Nam cũng đã chú trọng đến việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước. Có thể kể tới như: Vụ kiện chống bán phá giá thép không gỉ năm 2013; vụ kiện chống bán phá giá thép mạ (tôn mạ) năm 2016; điều tra chống bán phá giá​ thép Trung Quốc năm 2016; Bên cạnh đó, còn có các vụ việc liên quan đến vấn đề áp dụng biện pháp tự vệ thương mại như: kính nổi (2009), dầu thực vật (2012), bột ngọt (2015), phôi thép và thép dài (2015), tôn màu (2016).

 
Ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội:
Phòng vệ thương mại không phải là việc của từng doanh nghiệp riêng lẻ mà là chiến lược hành động của cả một ngành sản xuất sản phẩm nội địa liên quan. Và để sử dụng công cụ PVTM hiệu quả, doanh nghiệp phải tập hợp với nhau thành một lực lượng đủ sức đại diện cho một ngành sản xuất nội địa. Doanh nghiệp Việt Nam hơn lúc nào hết cần phải liên kết chặt chẽ trong sản xuất kinh doanh, trong vận động chính sách cho ngành...
 

Mới đây nhất, ngày 16/4/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 940/QĐ-BCT về việc tiến hành điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm ván gỗ công nghiệp (ván gỗ MDF) có xuất xứ từ Thái Lan và Malaysia nhập khẩu vào Việt Nam.     

Là trung tâm kinh tế của cả nước, Hà Nội đã có nhiều hoạt động phong phú hỗ trợ doanh nghiệp chủ động PVTM, nhằm bảo vệ doanh nghiệp trước những tác động của hội nhập kinh tế quốc tế. Ông Nguyễn Thanh Hải- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho biết, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi hội thảo hỗ trợ cho doanh nghiệp về thông tin, kiến thức về PVTM, tập huấn giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về quy trình, tác động của công cụ PVTM đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, phát hành cuốn sổ tay Cẩm nang Hội nhập cho doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.

Thực tế, các biện pháp PVTM đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là một xu thế khó tránh khỏi trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Có thể nói, PVTM giống như một cơn bão mà doanh nghiệp phải bắt buộc vượt qua bằng cả phòng vệ lẫn tấn công để tự bảo vệ mình. Theo ông Nguyễn Thanh Hải, để PVTM hiệu quả, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ về quy trình, tác động của công cụ PVTM đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành hàng mình; tự bảo vệ bằng cách trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM; nắm bắt thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường xuất khẩu, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang