Ung thư biểu mô màng phổi do nghi ngờ hít phải amiăng- nguyên liệu sản xuất tấm lợp pro xi măng

author 19:14 25/07/2020

(VietQ.vn) - Mới đây, bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 49 tuổi trong tình trạng tức ngực, khó thở. Sau thăm khám các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị ung thư biểu mô màng phổi mà nguyên nhân có thể do hít phải amiăng.

Mắc ung thư hiếm gặp do nghi ngờ hít phải amiăng

Báo VnExpress dẫn thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, kết quả chụp X-quang tại Bệnh viện cho thấy có một lượng nhỏ dịch ở màng phổi phải bệnh nhân. Kết quả chọc hút làm xét nghiệm, giải phẫu bệnh, có yếu tố nghi ngờ tế bào ác tính. Các bác sĩ tiếp tục phẫu thuật nội soi lấy dịch và mẫu bệnh phẩm sinh thiết màng phổi phải.

Kết quả sinh thiết xác định là u trung mô ác tính. Nhận định đây là trường hợp hiếm gặp, các bác sĩ khoa Giải phẫu bệnh hội chẩn cùng chuyên gia đầu ngành thuộc Đại học Y khoa Karolinska - Thụy Điển và nhận được kết quả trùng khớp. Bệnh nhân được xác định mắc ung thư biểu mô màng phổi.

Theo các bác sĩ, ung thư trung biểu mô màng phổi là loại ung thư hiếm gặp và khó chẩn đoán. Thời gian ủ bệnh dài, 10 đến 50 năm mới xuất hiện triệu chứng. Phần lớn người bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn với tiên lượng xấu. Các bác sĩ cho biết, amiăng là yếu tố gây ra các bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, ung thư thực quản, buồng trứng và cả ung thư trung biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim)... Bệnh nhân làm nghề nông. Các bác sĩ cho rằng có thể bệnh nhân đã hít phải bụi amiăng trong môi trường sống suốt thời gian dài, tích lũy gây ung thư.

Amiăng là nguyên liệu chính trong các tấm lợp A-C (tấm lợp fibro/pro xi măng) được sử dụng rộng rãi trong xây dựng công trình, nhà xưởng, hộ gia đình...  

Bác sĩ Nguyễn Đức Hoành, Trưởng khoa Phẫu thuật - Can thiệp Tim mạch và Lồng ngực nhận định, ung thư trung biểu mô màng phổi có tiên lượng rất xấu. Phần lớn tuổi thọ trung bình của người bệnh sau khi được chẩn đoán chỉ từ 6 đến 12 tháng. Tuy nhiên, với các phương pháp điều trị đa mô thức như hiện nay, bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị... tỉ lệ sống cho người bệnh được cải thiện hơn. Hiện bệnh nhân được tư vấn áp dụng phương pháp điều trị phẫu thuật cắt toàn bộ màng phổi thành, một phần cơ hoành và một phần màng tim, cùng với hóa trị và xạ trị.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân có các triệu chứng như khó thở, đau ngực, ho khan và mệt mỏi... Đặc biệt là những người có tiếp xúc với amiăng nên thường xuyên khám sức khỏe, bao gồm chuyên khoa lồng ngực để phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời.

Tác hại của amiăng tới sức khỏe nếu hít phải

Tại Việt Nam, amiăng là nguyên liệu chính trong các tấm lợp A-C (tấm lợp fibro/pro xi măng) được sử dụng rộng rãi trong xây dựng công trình, nhà xưởng, hộ gia đình... Tất cả thao tác trong quá trình sản xuất sản phẩm chứa amiăng (xé bao, nghiền, trộn, khoan...) hay trong khi sử dụng (cắt, đập, phá dỡ các tấm lợp, vật liệu có chứa amiăng) đều có thể phát sinh bụi amiăng trong môi trường, và là nguyên nhân gây bệnh khi người dân hít phải bụi này. Bên cạnh đó, các thói quen tận dụng, tháo dỡ các tấm amiăng vỡ để lát đường, làm chuồng trại... cũng làm tăng nguy cơ hít phải chất trên.

Amiang là một nhóm các khoáng chất sillicat trong thiên nhiên, tồn tại ở dạng sợi và chúng có khả năng chia nhỏ thành nhiều sợi mảnh hơn. Amiang được sử dụng rộng rãi để sản xuất các vật liệu chống cháy, cách âm, cách nhiệt.

Trong khi đó tại Việt Nam, gần 80% lượng amiang nhập khẩu được sử dụng để sản xuất tấm lợp fibrô – xi măng. Ngoài ra, amiang có mặt ở một số vật liệu/sản phẩm khác như: Cách nhiệt, cách điện, chống cháy, má phanh, tấm trần cách nhiệt, các sản phẩm của hệ thống bảo ôn.

Mua thực phẩm online tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng(VietQ.vn) - Cục Thương mại điện tử và kinh tế số Bộ Công Thương lưu ý, người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua thực phẩm ở những trang không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng.

Amiang xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp khi người lao động và người sử dụng sản phẩm có chứa amiang hít phải sợi amiang phát tán trong môi trường. Ngoài ra, amiang còn có thể xâm nhập qua đường tiêu hóa. Các công việc phát sinh bụi amiang chủ yếu trong quy trình sản xuất như: Xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn… Tại cộng đồng, người dân tiếp xúc với bụi amiang trong môi trường chủ yếu do khoan, cắt, phá dỡ đập các tấm lợp, vật liệu có chứa amiang, sử dụng tấm lợp hư hỏng có chứa amiang để làm đường, đổ móng nhà.

Amiang xâm nhập vào cơ thể qua mũi, miệng do ăn uống hoặc hít phải. Sợi amiang khi nuốt vào bị tích tụ lại và có thể gây ung thư màng phổi, thanh quản, buồng trứng, dạ dày và ruột… Thời gian phát bệnh do amiang gây ra thường muộn. Mỗi người tiếp xúc với amiang có thể bị 1 loại bệnh khác nhau. Trong đó, 80% các trường hợp ung thư trung biểu mô ở người được xác định do amiang gây ra. Do chưa hiểu hết tác hại của amiang nên người dân vẫn mua tấm lợp có chứa amiang về sử dụng.

Trước tác hại không ngờ của amiang các bác sĩ khuyến cáo, hạn chế tiếp xúc với các vật liệu chứa amiăng. Nghiêm túc tuân thủ các quy định về an toàn lao động như đeo khẩu trang, mặc trang phục bảo hộ... Không tự ý tháo dỡ, vứt bỏ vật liệu chứa amiăng mà cần có tư vấn của cơ quan môi trường địa phương, không dùng các tấm amiăng để lát đường, làm chuồng trại...

Tránh làm vỡ các vật liệu chứa amiang gây phát tán bụi amiang. Cụ thể như dùng tấm lợp chứa amiang để làm đường, đổ móng nhà. Xếp gọn các vật liệu thải loại có chứa amiang vào nơi an toàn, tránh mọi hình thức phát tán bụi ra môi trường và thông báo với cơ quan môi trường để xử lý.

Người dân sống gần các nhà máy sản xuất vậy liệu chứa amiang và có nguy cơ tiếp xúc với amiang… nếu thấy các biểu hiện bệnh đường hô hấp cần đi khám để kiểm tra và điều trị kịp thời. 

Với người lao động cần sử dụng các phương tiện bảo vệ đúng tiêu chuẩn hướng dẫn của nhà xưởng như đeo khẩu trang chuyên dụng, quần áo bảo hộ lao động... Không hút thuốc, ăn uống tại nơi làm việc. Tắm rửa trước khi về nhà, không mang quần áo bảo hộ lao động về nhà. Yêu cầu được định kỳ hàng năm khám sức khỏe (chụp phim X – quang phổi, đo chức năng hô hấp để kiểm tra). Khi có các biểu hiện bệnh đường hô hấp cần đi khám và điều trị kịp thời.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang