Vụ Asanzo: 'Không thể nói lắp ráp 2-3 mảng miếng ai cũng làm được rồi tự nhận là hàng Việt'

author 13:16 26/06/2019

(VietQ.vn) - Từ chuyện Asanzo vướng vào nghi án sử dụng hàng Trung Quốc gán “mác” Việt Nam, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh: "Không thể nói lắp ráp đơn giản với 2-3 mảng miếng mà ai cũng làm được, rồi tự nhận là hàng Việt Nam. Thậm chí, dù giai đoạn lắp ráp cuối cùng phức tạp cũng không được”.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Thời gian qua, thông tin CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam nhập thiết bị điện tử tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường làm xôn xao dư luận. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin, báo cáo Thủ tướng kết quả trước ngày 30/7/2019.

 CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán. Ảnh Website Asanzo

Trước đó, báo Tuổi trẻ đã đăng tải loạt bài điều tra liên quan đến thông tin Asanzo nhập linh kiện rồi xé nhãn Trung Quốc và dán tem nhãn “Made in Vietnam”. Trong phản hồi gửi tới các cơ quan báo chí được đưa ra sau đó, Asanzo cho biết hãng "tự tin sản phẩm mang thương hiệu Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam và công nghệ Nhật Bản là có căn cứ, phù hợp với thông lệ thị trường và không trái với pháp luật Việt Nam”.

Từ sự việc của Asanzo, vấn đề dán nhãn xuất xứ sản phẩm trên phương diện pháp lý được đặt ra bức thiết. Viện dẫn quy định trong Luật Thương mại, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng: Xuất xứ hàng hóa được quy định cụ thể tại Điều 3.14 Luật Thương mại năm 2005 với 2 ý là nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất toàn bộ hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản mà không đề cập đến lắp ráp.

Luật sư Đức phân tích, mặc dù một sản phẩm có thể sử dụng linh kiện của nhiều quốc gia, nhưng nhất thiết vai trò của doanh nghiệp ở Việt Nam phải ở mức ý nghĩa nhất định. "Không thể nói lắp ráp đơn giản với 2-3 mảng miếng mà ai cũng làm được, rồi tự nhận là hàng Việt Nam. Thậm chí, dù giai đoạn lắp ráp cuối cùng phức tạp cũng không được”, Luật sư Đức nhấn mạnh.

Do đó, ông Đức cho rằng phải làm rõ doanh nghiệp đóng góp như thế nào trong quá trình tạo ra sản phẩm. Con số linh kiện là bao nhiêu phần trăm, đóng góp về công nghệ, hàm lượng trí tuệ và vai trò của Việt Nam là bao nhiêu phần trăm mới được dán nhãn như vậy?

Trước đó, trả lời báo giới, ông Phạm Văn Tam – CEO Asanzo giải thích, việc doanh nghiệp này dán tem xuất xứ Việt Nam trên sản phẩm đang tiêu thụ là do các văn bản chỉ hướng dẫn dán tem với hàng xuất khẩu mà không có hướng dẫn với hàng tiêu thụ nội địa.

Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ sự không đồng tình với phần lý giải trên của đại diện Asanzo. Bởi theo Nghị định về Nhãn hàng hóa năm 2017 quy định nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu.

"Cần hiểu dán nhãn "Made in Vietnam" bên cạnh đúng bản chất còn phải đảm bảo sự trung thực", ông Đức nói và cho rằng nếu Asanzo ghi nhãn mác xuất xứ linh kiện Trung Quốc, lắp ráp tại Việt Nam thì mới đúng bản chất.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang