CEO Phạm Văn Tam thực chất đang là chủ doanh nghiệp nào?

author 06:37 24/06/2019

(VietQ.vn) - Trước khi nghi vấn Asanzo của CEO Phạm Văn Tam nhập các linh kiện từ Trung Quốc và gắn mác "Made in Việt Nam" bị phát giác, công ty này chỉ còn lại 5 lao động, thậm chí Shark Tam đã thoái 90% cổ phần tại doanh nghiệp này.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo - một trong những Shark tại Thương vụ bạc tỷ mùa 3 (2019), đang là chủ sở hữu/người đại diện góp vốn tại 2 doanh nghiệp là CTCP Truyền thông và Giải trí Asanzo và CTCP Công nghệ cao Asanzo. Được biết, CTCP Truyền thông và Giải trí Asanzo thành lập ngày 24/9/2014. Dữ liệu tính đến ngày 15/5/2017, ông Phạm Văn Tam nắm 80% vốn công ty. Đến 8/9/2018, công ty tăng mạnh vốn từ 200 triệu đồng lên 50 tỷ đồng.

Địa chỉ trụ sở nằm tại Phòng 903, Tầng 9, Tòa Nhà Flemington Tower, 182 Lê Đại Hành - Phường 15 - Quận 11 - TP.Hồ Chí Minh, ngành nghề kinh doanh là Bán buôn thực phẩm. Đây cũng là địa chỉ trụ sở hiện tại của Công ty CP Đầu tư Asanzo.

 Shark Tam thực chất đang là chủ doanh nghiệp nào? 

Còn CTCP Công nghệ cao Asanzo mới được thành lập năm 2019 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Ba cổ đông sáng lập công ty này là Phạm Văn Tam, Dương Thị Ngọc Giàu, Nguyễn Thị ý Nhi. Ngành nghề kinh doanh là Sản xuất linh kiện điện tử, địa chỉ trụ sở tại Lô I-15, Đường D2, Khu Công nghệ cao - Phường Tăng Nhơn Phú B - Quận 9 - TP.Hồ Chí Minh.

Trước đó, CEO Tam đã thoái gần hết vốn tại công ty CP Tập đoàn Asanzo vào ngày 13/7/2018, từ tỷ lệ sở hữu 90% xuống còn 1%. Hiện tại, pháp nhân Phạm Xuân Tình đang làm chủ sở hữu/Người đại diện theo pháp luật. Cập nhật đến ngày 15/6/2019, Công ty CP Tập đoàn Asanzo chỉ có 5 lao động.

Công ty CP Tập đoàn Asanzo vốn được thành lập vào ngày 20/10/2016 với tên gọi ban đầu là CTCP Tập đoàn Asan, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Cổ đông lớn nhất sáng lập là ông Phạm Văn Tam (90%) và một số cổ đông khác gồm Công ty TNHH Truyền thông Asanzo (2%); Công ty CP Điện tử Asanzo Việt Nam (2%), Phạm Xuân Tình (2%), Phạm Văn Toán (2%) và Phạm Thị The (2%).

Trước đó, liên quan đến việc lô hàng linh kiện lò nướng thủy tinh bị Cục Hải quan TP.HCM kiểm tra ngày 7/9/2018, CEO Asanzo khẳng định, công ty đã ngừng sản xuất các mặt hàng này từ khoảng tháng 6/2018.

Người đứng đầu Asanzo cho biết, do thuế nhập khẩu các mặt hàng điện gia dụng còn cao nên đã cho xây dựng các dây chuyền lắp ráp để sản xuất mặt hàng này trong nước. Sang nửa cuối năm 2018, đầu năm 2019, khi thuế các mặt hàng này trở về 0, nhận thấy không có lãi, Asanzo đã không sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng này nữa mà chỉ tập trung vào 2 dòng sản phẩm chính là Tivi và điều hòa không khí.

Shark Tam cho hay, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.

“Thời điểm nửa đầu năm 2018 trở về trước, Asanzo vẫn còn lắp ráp các mặt hàng điện gia dụng. Tuy nhiên khoảng 1 năm trở lại đây, Asanzo không còn lắp ráp các mặt hàng điện gia dụng nữa. Thời điểm này Asanzo giao nhóm ngành hàng này cho các công ty phụ trợ", ông Tam cho biết.

Theo ông Phạm Văn Tam, Asanzo đang nhượng quyền cho một vài công ty khác sử dụng thương hiệu của mình. Do vậy, Asanzo không có khiếu nại trước việc những đơn vị này thuê nhà sản xuất Trung Quốc đóng logo Asanzo vào sản phẩm điện gia dụng rồi nhập về bán tại thị trường trong nước.

Asanzo từng có công văn gửi sang phía công an khẳng định công ty không bảo hộ thương hiệu của mình. Do vậy, trước vấn đề mà báo chí đặt ra liên quan đến nhãn mác thương hiệu, ông Tam cho rằng trong tập đoàn Asanzo có rất nhiều công ty con khác nhau, bộ phận nào làm sai thì đơn vị đó sẽ chịu trách nhiệm.

Ngày 21/6, Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao (HVNCLC) cho biết đã tước ngay quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp ASANZO sau bài báo điều tra của Tuổi Trẻ về hàng điện tử gia dụng thuộc Tập đoàn Asanzo.

"Thay mặt ban chấp hành, tôi nhận lỗi với người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính về sai sót này", bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp HVNCLC cho biết trong thông cáo phát ra chiều 21/6.

Theo bà Hạnh, hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt, ảnh hưởng xấu tới uy tín chương trình HVNCLC.

Thảo Nguyên (T/H)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang