Bác sĩ cảnh báo dùng thuốc paracetamol thường xuyên gây hại gan tương tự như uống rượu

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, việc lạm dụng thuốc paracetamol giảm đau có thể gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe, nhất là gan. Thực tế không ít trường hợp bị men gan tăng quá cao do tự ý sử dụng loại thuốc này trong thời gian dài.
Lòng se điếu: Chuyên gia thì bảo hiếm và đắt, nhưng chợ mạng lại bán tràn lan, thực hư ra sao?
Bác sĩ chỉ ra ăn táo khi bụng đói sẽ giúp gan khỏe
Chuyên gia Mỹ chỉ ra những thực phẩm nên loại khỏi bếp để sống thọ
ThS.BS Đoàn Dư Mạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Phương Đông (Hà Nội) cho biết, mới đây một bệnh nhân là Việt kiều về nước nghỉ ngơi, tranh thủ kiểm tra sức khỏe tổng quát. Kết quả cho thấy bệnh nhân bị thoái hóa cột sống cổ, tuy nhiên điều đáng chú ý là chỉ số men gan tăng vọt như người uống rượu lâu năm.
Khi bác sĩ khai thác kỹ hơn tiền sử, bệnh nhân cho biết từng bị đau đầu từ cách đây 20 năm. Thay vì đi khám, bệnh nhân tự mua paracetamol uống tại nhà. Thấy thuốc có hiệu quả, bà duy trì thói quen dùng thuốc suốt hai thập kỷ.
Ban đầu, bệnh nhân chỉ uống 2 viên/ngày. Về sau, liều lượng tăng dần lên 6–8 viên/ngày trong suốt 20 năm. Khi nghe đến đây, bác sĩ Mạnh không khỏi sửng sốt: “Dùng 6–8 viên paracetamol mỗi ngày suốt hai chục năm thì hại gan chẳng kém gì uống 1 lít rượu mỗi ngày”.
Chia sẻ thêm về trường hợp này, bác sĩ Mạnh cho biết: “Tôi thật sự nể sức chịu đựng của gan, nhưng cũng rất lo vì tình trạng gan bệnh nhân đã bị tàn phá nghiêm trọng”.

Sử dụng thuốc paracetamol thường xuyên sẽ gây hại gan nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Bác sĩ Mạnh nhận định tình trạng đau đầu nhiều khả năng có liên quan đến thoái hóa cột sống cổ – một nguyên nhân phổ biến gây đau đầu mạn tính. Tuy nhiên, điều đáng lo hơn là bệnh nhân có dấu hiệu nghiện thuốc giảm đau. Dù đã được bác sĩ tư vấn kỹ lưỡng về tác hại khi lạm dụng paracetamol, ngay sau khi rời phòng khám, bà vẫn lấy ra 2 viên thuốc giảm đau để uống tiếp.
Bệnh viện Nhi Trung ương cũng từng ghi nhận trẻ nhỏ bị ngộ độc paracetamol do người chăm sóc vô tình cho uống liều cao như người lớn. Trẻ bị ngộ độc thường có biểu hiện: đau bụng, nôn mửa, da tái xanh, khó thở. Ở người lớn, ngộ độc chủ yếu xảy ra do dùng liều cao kéo dài, nhất là người có bệnh gan, nghiện rượu, hoặc suy dinh dưỡng. Các triệu chứng thường mờ nhạt, dễ bị bỏ qua, khiến việc điều trị chậm trễ.
Paracetamol (acetaminophen) là thuốc giảm đau, hạ sốt thông dụng, được đánh giá là tương đối an toàn nếu dùng đúng liều. Tuy nhiên, việc lạm dụng hoặc dùng kéo dài có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Mạnh, nguy hiểm của paracetamol nằm ở chỗ thuốc dễ dùng, hiệu quả nhanh, không gây khó chịu như rượu – nhưng độc tính với gan thì không hề kém cạnh. Khi vào cơ thể, paracetamol được chuyển hóa qua gan. Khoảng 4% lượng thuốc biến thành một chất độc tên là N-acetyl-p-benzoquinonimin (NAPQI). Ở liều điều trị, NAPQI được trung hòa nhờ glutathione – một chất chống oxy hóa của cơ thể. Tuy nhiên, khi dùng liều cao hoặc kéo dài, glutathione không còn đủ để xử lý, khiến NAPQI tích tụ và phá hủy tế bào gan.
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã nhiều lần cảnh báo về nguy cơ suy gan cấp, thậm chí tử vong do paracetamol nếu dùng vượt quá 4.000 mg/ngày ở người lớn. FDA cũng nhấn mạnh người dân cần cẩn trọng khi sử dụng nhiều loại thuốc có chứa paracetamol cùng lúc.
Bệnh viện Vinmec cũng khuyến cáo, sử dụng paracetamol an toàn đối với người lớn không vượt quá 4.000 mg/ngày, chia thành các liều nhỏ, mỗi liều cách nhau ít nhất 6 giờ. Không dùng thuốc giảm đau hạ sốt Paracetamol cho bệnh nhân đang có tình trạng nghiện rượu, say rượu, suy gan... Những người bị suy gan cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc để tránh ngộ độc gan khi dùng paracetamol. Nếu dị ứng với paracetamol thì có thể sử dụng thuốc Ibuprofen để hạ sốt. Không dùng thuốc liên tục (dưới 4 giờ) để tránh quá liều paracetamol.
Trẻ em dùng thuốc theo liều tính theo cân nặng và hướng dẫn của bác sĩ. Không dùng đồng thời nhiều sản phẩm chứa paracetamol. Chỉ dùng thuốc khi trẻ sốt từ 38,5 độ trở lên hoặc khi trẻ có triệu chứng đau, gây khó chịu, quấy khóc. Đối với trẻ có tiền sử co giật do sốt chỉ dùng paracetamol khi trẻ sốt từ 38 độ trở lên. Không cho trẻ uống quá 4 liều hoặc quá 4g trong 24 giờ. Nếu trẻ bị nôn, đại tiện sau 30 phút kể từ khi uống thuốc, hãy cho trẻ dùng lại liều tương tự. Nếu quá 30 phút thì không cần lặp lại 1 liều nữa.
Trong vòng 2 - 3 giờ sau khi uống thuốc, nếu trẻ tiếp tục sốt cao, không hạ sốt hoặc sốt lại thì cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ hoặc cho trẻ thăm khám tại cơ sở y tế gần nhất. Đối với trẻ thiếu enzyme G6PD hoặc suy gan nặng cần dùng paracetamol liều thấp (10mg/kg) và theo dõi sát sao. Sẵn sàng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất khi thấy có dấu hiệu bất thường.
Cảnh báo an toàn thuốc với tiêu chuẩn ISO/TS 22703
Tiêu chuẩn quốc tế ISO/TS 22703 được xuất bản rất hữu ích cho tổ chức chăm sóc sức khỏe, nhà cung cấp và người sử dụng hệ thống cảnh báo an toàn thuốc hoặc người cung cấp thông tin cho cảnh báo. Hệ thống hỗ trợ ra quyết định lâm sàng, thuật ngữ tiếng Anh là “Clinical Decision Support Systems”, viết tắt là CDSS, đã được nhiều nước trên thế giới ứng dụng nhằm hỗ trợ các bác sĩ trong chẩn đoán, điều trị theo hướng dẫn điều trị tốt nhất, hạn chế thấp nhất các sai sót.
Hệ thống CDSS thường được tích hợp vào phần mềm bệnh án điện tử, có thể cài đặt trên máy tính cố định hoặc thiết bị di động. Mới đây, với những bằng chứng khoa học, Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức khuyến cáo ứng dụng công nghệ kỹ thuật số để hỗ trợ bác sĩ ra quyết định lâm sàng tại các cơ sở y tế. Đồng thời, hệ thống hỗ trợ ra quyết định lâm sàng rất quan trọng với sự an toàn của bệnh nhân, giúp bác sĩ kê đơn và phân phát thuốc dựa trên hồ sơ sức khỏe điện tử của bệnh nhân.
Tất cả hệ thống hỗ trợ quyết định lâm sàng được thiết kế đi kèm công cụ cảnh báo để tránh sai sót khi dùng thuốc. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn về nội dung và cách thức thực hiện tùy thuộc vào hệ thống quốc gia và cơ sở kiến thức về thuốc. Các hướng dẫn quốc tế mới vừa được xuất bản nhằm hài hòa các yêu cầu và đảm bảo cùng chung một ngôn ngữ.
Tiêu chuẩn ISO/TS 22703, Tin học y tế – Yêu cầu về cảnh báo an toàn thuốc, quy định yêu cầu đối với hệ thống cảnh báo an toàn thuốc và các chủ đề mà nhà cung cấp hệ thống cần giải quyết. Tiêu chuẩn bao gồm các thuật ngữ được sử dụng trong cảnh báo an toàn thuốc, tiêu chí lựa chọn cơ sở kiến thức cho các hệ thống này, chức năng, hiển thị, xếp hạng chất lượng. Đặc điểm kỹ thuật này hữu ích cho những tổ chức chăm sóc sức khỏe, nhà cung cấp và người sử dụng hệ thống có cảnh báo an toàn thuốc hoặc những người cung cấp thông tin cho cảnh báo. ISO /TS 22703 được chuẩn bị bởi Uỷ ban kỹ thuật ISO /TC 215, Tin học sức khỏe, ban thư ký do ANSI, thành viên của ISO tại Hoa Kỳ, đảm nhiệm.
Vân Thảo (T/h)