Bác sĩ cảnh báo lạm dụng thuốc corticoid nguy hiểm khó lường

author 08:55 06/05/2022

(VietQ.vn) - Theo các bác sĩ, hiện nay tình trạng lạm dụng thuốc corticoid ngày càng trở nên phổ biến. Đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

Corticoid (hay corticosteroid) là nhóm hoạt chất có tác dụng kháng viêm mạnh, chống dị ứng, ức chế miễn dịch, thường được sử dụng để điều trị cho nhiều bệnh lý khác nhau, từ các bệnh về da như kích ứng do côn trùng đốt, eczema, chàm, vẩy nến… cho đến các bệnh như viêm khớp, viêm phổi, các bệnh tự miễn như dị ứng, lupus ban đỏ hệ thống.

Do sự đa dạng trong tác dụng, corticoid thường được kê đơn và sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, chính điều đó đã dẫn đến tình trạng lạm dụng corticoid trong điều trị. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Việt Nam- Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh cho biết, thuốc corticoid được nhiều người dân tìm mua để chữa viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm da, đau xương khớp, hen… Các nhà thuốc thì bán corticoid tự do không cần đơn của bác sĩ, thậm chí một số kem bôi da như kem trộn, mỹ phẩm giả cũng có corticoid để làm trắng da, gần đây các thuốc corticoid này được trộn vào nhiều loại thuốc được quảng cáo là “Đông y” chữa bách bệnh.

Tránh lạm dụng corticoid. Ảnh minh họa

Tuy nhiên thuốc corticoid có nhiều tác dụng phụ mà ít người biết. Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận không ít trường hợp là nạn nhân của việc lạm dụng corticoid với vô vàn biến chứng nguy hiểm như suy tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa, loãng xương, xẹp đốt sống, gù vẹo cột sống, tăng đường máu, tăng huyết áp, teo cơ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, đục thủy tinh thể, suy giảm chức năng miễn dịch gây nhiễm trùng cơ hội…

Sau một thời gian sử dụng cơ thể bị lệ thuộc vào thuốc, đồng nghĩa với các tác dụng phụ ngày càng nặng hơn. Những người này có đặc điểm chung là kiểu hình Cushing: mặt tròn đỏ, béo bụng nhưng chân tay lại bị teo, da mỏng dễ bị bầm tím khi va chạm, bụng và đùi có nhiều vết rạn đỏ…Tác dụng phụ nguy hiểm nhất là suy thượng thận do thuốc với biểu hiện mệt mỏi thường xuyên, huyết áp thấp và đã có trường hợp tử vong.

Ngoài ra, corticoid giữ nước và natri trong cơ thể gây phù nề, gây rối loạn chuyển hóa lipid và làm đọng mỡ lại ở trên mặt, cổ và lưng, nên người dùng thuốc lâu ngày sẽ béo phì nhưng thật ra cơ thể lại bị teo cơ (đây là các biểu hiện trong hội chứng có tên là Cushing).

Với các trường hợp thuốc bôi ngoài da, việc sử dụng corticoid không đúng cách có thể gây làm teo da, rạn da, da dễ bị nhiễm trùng do mất sự đề kháng. Nếu bôi lên mặt lâu ngày, thay vì da mặt mịn màng như nhiều người lầm tưởng, da sẽ bị trứng cá đỏ, phát mụn li ti khắp mặt. Không những thế, thuốc có thể thấm qua da vào máu gây tác dụng toàn thân (có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm).

Mặc dù corticoid có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, nhưng do sự thiếu hiểu biết về loại hoạt chất này, chỉ biết rằng nó có tác dụng tốt, nên nhiều người dễ dàng tìm mua các loại dược phẩm có chứa Corticoid ngoài các hiệu thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ, dẫn đến hiện tượng sử dụng quá liều, sử dụng trong một thời gian quá dài.

Ngoài ra, nhiều sản phẩm mỹ phẩm rẻ tiền thường có lẫn thành phần corticoid. Nhiều người ham rẻ mà lựa chọn các sản phẩm kém chất lượng này, khiến cho sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thêm vào đó, không ít thuốc Đông Y giả mạo được quảng cáo chủ yếu: “Mát huyết, trị bệnh gan gây ngứa, trị gầy yếu, thiếu máu, biếng ăn, mất ngủ…”. Trên thực tế, các thuốc Đông Y này đều có chứa corticoid, để tạo những tác dụng trước mắt: ăn được, ngủ được, mập ra, nếu có đau nhức xương khớp sẽ giảm ngay, hoặc nổi mề đay mẩn ngứa cũng sẽ hết (do tác dụng giảm đau chống viêm, chống dị ứng của corticoid) khiến nhiều người cho là “thần dược”, nhưng tác hại do việc dùng lâu ngày các loại Đông dược “giả mạo” này không sao lường được.

Để tránh bị rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” do lạm dụng corticoid, chúng tôi khuyến cáo người dân, nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng corticoid dưới mọi hình thức. Mặt khác, khi sử dụng các loại thuốc có thành phần corticoid thấy các dấu hiệu bất thường như trên cần đến kiểm tra tại các cơ sở y tế uy tín và theo đúng chuyên khoa.

Đặc biệt mỗi người chúng ta cần có hiểu biết về công dụng cũng như tác dụng phụ của loại dược chất này. Cần đọc kĩ thành phần, công dụng, hướng dẫn sử dụng để biết thuốc có chứa thành phần corticoid hay không. Các chất là corticoid có trong thành phần thuốc bôi ngoài da rất phong phú, thường gặp như: hydrocortisone, prednisolone, prednisone, methylprednisolone, triamcinolone, fluocinolone, fluticasone; beclomethasone, betamethasone, dexamethasone... Hoặc dựa vào kí hiệu để biết nhóm thuốc có chứa corticoid. Thông thường các nhóm thuốc corticoid thường có đuôi "sone" ("son") hoặc "olone" ("olon"). Tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, ví dụ: budesonide. Do đó, việc tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc là rất cần thiết.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang