Bộ sản phẩm trị Nám NATAME quảng cáo ‘sạch nám, tàn nhang’, chất lượng có đảm bảo?

author 06:37 27/07/2022

(VietQ.vn) - Bộ sản phẩm mỹ phẩm NATAME đang quảng cáo, tư vấn như thuốc chữa bệnh nám, tàn nhang là lừa dối người dùng. Trước thực trạng này, đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm.

Loạt quảng cáo “nổ”

Hiện nay, bộ sản phẩm mang tên NATAME gồm: TPBVSK Nám NATAME, Nội tiết tố NATAME, Kem nám ngày, Kem nám đêm đang được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội, giới thiệu có tác dụng như thuốc điều trị mụn, nám, tàn nhang. Ngoài ra, sản phẩm này được cho là “sản phẩm vàng cho những người bị nám lâu năm”.

Để hiểu rõ hơn về bộ sản phẩm này, cũng như có thông tin truyền tải tới dư luận, Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã tìm hiểu và ghi nhận nhiều thông tin cho thấy dấu hiệu vi phạm pháp luật về quảng cáo. Tại trang https://dangky.trinamnatame.com/, bộ sản phẩm mang thương hiệu NATAME được quảng cáo là sạch nám, chữa nám, tàn nhang, trẻ hóa da... Theo giới thiệu chung, bộ sản phẩm được bào chế từ các thành phần thiên nhiên như tinh dầu cám gạo, tinh chất lựu, cam thảo, tinh chất mầm đậu nành... do đó, sản phẩm được “nổ” với nhiều công dụng như thuốc chữa bệnh về da.

 Bộ sản phẩm NATAME quảng cáo sai công dụng trên trang web đã đăng ký Bộ Công Thương

Cụ thể, Kem nám ngày NATAME được giới thiệu có tác dụng đẩy lùi tế bào chết, loại bỏ những đốm nám, tàn nhang, trị các vết thâm, trị mụn, ngăn ngừa lão hóa... Còn Kem nám đêm có công dụng chuyên sâu, loại bỏ tế bào chết, làm mờ vết nám, tàn nhang, đốm nâu...

Không thua kém, bộ đôi sản phẩm TPBVSK Nám NATAME, Nội tiết tố NATAME cũng được “tâng bốc” với nhiều công dụng vượt trội khác như loại bỏ nám, tàn nhang, bảo vệ da khỏi tia UV, chống oxy hóa, chống lão hoá, tái tạo da...

Cũng tại trang web nêu trên còn đăng tải hình ảnh, video Bác sĩ Lê Thị Minh Hải chia sẻ “bí quyết trị nám tàn nhang tận gốc - không tái phát”, kèm theo là hình ảnh khách hàng giới thiệu đã dùng sản phẩm đạt hiệu quả. Điển hình là hình ảnh chị Mai cho hay, sau khi sinh con da chị này bị nổi rất nhiều nám nhưng chỉ sau 1 tuần sử dụng trị nám NATAME thì nội tiết được cải thiện, sau 3 tháng dùng nám “hết sạch”, làn da sáng mịn, trắng hồng. 

Để có thông tin cụ thể hơn, trong vai người bị nám, tàn nhang... PV đã liên hệ tới địa chỉ bán sản phẩm NATAME. Sau vài câu hỏi qua loa, người này giới thiệu cho PV bộ sản phẩm uống và bôi NATAME với khẳng định chỉ cần dùng 2 liệu trình sẽ điều trị dứt điểm nám và không tái phát lại. Theo nhân viên tư vấn, một bộ sản phẩm được bán với giá 1,5 triệu đồng.

Theo tìm hiểu của PV, bộ sản phẩm thương hiệu NATAME do Công ty TNHH TAME Việt Nam (địa chỉ: tầng 2, số 8, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) phân phối. Hơn nữa, tại trang bán sản phẩm NATAME đã có dấu đăng ký Bộ Công Thương nhưng vẫn cố tình quảng cáo sai công dụng sản phẩm. Bởi theo quy định pháp luật, các sản phẩm TPBVSK, mỹ phẩm chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không chữa, trị bệnh về da như những quảng cáo nêu trên.

Để có thông tin đa chiều tới dư luận, PV đã tới địa chỉ nêu trên cũng như liên hệ số hotline của đơn vị phân phối nhưng đều không nhận được phản hồi. Điều này khiến dư luận quan ngại địa chỉ trên có thật không hay do đơn vị kinh doanh gắn mác? Chất lượng các sản phẩm này có như quảng cáo?

Theo Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm, cùng hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm thì những từ dùng cho quảng cáo như: Săn chắc cơ thể; Trị mụn, điều trị, chữa khỏi, làm lành mụn; Giảm/ kiểm soát sự sưng tấy phù nề; Loại bỏ/ giảm mỡ/ giảm béo; Diệt nấm; Diệt virus; Kích thích… không được chấp nhận dùng trong quảng cáo mỹ phẩm. Trước tình trạng loạn quảng cáo thực phẩm chức năng nói trên, ngày 31/3, Bộ Y tế đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công thương; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công an; UBND các tỉnh/thành phố về việc tăng cường phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật

Bộ Y tế cho biết, thời gian vừa qua còn tồn tại rất nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo, chủ yếu tập trung vào các hành vi như: Quảng cáo không đúng bản chất sản phẩm, quảng cáo khi chưa được thẩm định nội dung và quảng cáo không đúng nội dung đã được thẩm định.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân phát hành quảng cáo sai sự thật, quảng cáo chưa có thẩm định của cơ quan chuyên môn hoặc không đúng với nội dung đã được thẩm định. Có biện pháp xử lý mạnh với các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Twitter… Các nền tảng quảng cáo trên Google ads như Youtube, Coccoc, Chrome… và yêu cầu thực hiện nghiêm túc pháp luật của Việt Nam về quảng cáo.

Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc thanh, kiểm tra và xử lý nếu phát hiện sai phạm.

Bộ Y tế cũng đề nghị rà soát quản lý chặt điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo cần kịp thời tạm đóng tên miền hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm. Tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo xuyên biên giới.

Bộ Công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên sàn giao dịch thương mại điện tử, các công ty bán hàng đa cấp kinh doanh sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ. Có biện pháp giám sát các hoạt động đa cấp, đặc biệt là các buổi hội thảo phát triển thành viên của các công ty, để tránh việc quảng cáo truyền miệng sai sự thật. Có biện pháp, chế tài xử lý mạnh các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), về chế tài xử phạt đối với hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, căn cứ Điều 52 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29/03/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo:

Hành vi không ghi hoặc không nêu rõ nội dung “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh” trên quảng cáo sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng;

Hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, được sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh sẽ bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm có thời hạn đến 24 tháng; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin; Buộc tháo gỡ, tháo dỡ sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo; hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm.

Trường hợp quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ, công dụng, xuất xứ,… có thể bị phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng theo quy định tại Khoản 5 Điều 34 Nghị định này.

Việc quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị xử lý hình sự về “Tội quảng cáo gian dối” theo Điều 197 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, mức phạt cao nhất tối đa 03 năm tù giam.

An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang