Bộ Y tế yêu cầu truy nguồn thực phẩm vụ 21 học sinh ở Pleiku nghi ngộ độc do uống trà sữa
Tháo gỡ khó khăn cho các Dự án điện khí, điện gió ngoài khơi
Bộ Y tế cảnh báo: Bếp ăn tập thể quy mô hàng nghìn suất nguy cơ ngộ độc
Đồng Tháp xử phạt cơ sở sản xuất bánh mì Hồng Ngọc gây ngộ độc cho 149 người
Ngày 17/9, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Gia Lai về sự việc 21 học sinh trường THCS Tôn Đức Thắng (thành phố Pleiku) nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm.
Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Gia Lai khẩn trương tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở cung cấp thực phẩm có nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm. Cơ quan chức năng tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc.
Sở Y tế tỉnh Gia Lai phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng. Đồng thời, Sở Y tế tỉnh Gia Lai cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.
Nhiều học sinh nghi ngộ độc do uống trà sữa. Ảnh: Pháp luật TP.HCM
Trước đó vào chiều 16/9, nhiều học sinh Trường THCS Tôn Đức Thắng nghi bị ngộ độc thực phẩm sau khi dự liên hoan Trung thu. Theo kết quả kiểm tra ban đầu, lớp 7/1 có 34/45 học sinh uống trà sữa. Trong đó, 21 học sinh có biểu hiện bị đau bụng, chóng mặt, nôn ói; 17 học sinh được phụ huynh đón về nhà theo dõi, 4 học sinh được đưa đến trạm y tế.
Ông Nguyễn Đình Thức - Trưởng phòng GD&ĐT TP Pleiku, cho biết bước đầu nguyên nhân nghi ngộ độc có thể từ trà sữa do phụ huynh mua đến tổ chức liên hoan Trung thu. Vụ việc đang được các cơ quan chức năng làm rõ.
Liên quan tới trà sữa, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, trà sữa là đồ uống được giới trẻ yêu thích tuy nhiên nguy hiểm nhất trong cốc trà sữa chính là hạt trân châu.
Hạt trân châu là hạt làm từ bột sắn, nhưng một số người muốn làm cho nó trở nên hấp dẫn hơn nên họ cho phẩm màu và tạo nên những hạt trân châu xanh, đỏ, và cả màu đen…. Nhưng chúng ta không thể kiểm soát được phẩm màu người sản xuất cho vào là loại nào, nếu là phẩm màu công nghiệp thì vô cùng nguy hại cho sức khỏe người dùng.
Bên cạnh đó, nếu nguyên liệu pha trà sữa là bột màu, hương liệu công nghiệp, đường hóa học… thì rất độc hại. Dùng nhiều sẽ gây tổn thương lớn cho gan và thận, thậm chí suy gan, thận ở những cơ địa trẻ có đề kháng yếu.
Uống trà sữa từ nguyên liệu đảm bảo vốn đã không tốt cho sức khỏe do chứa nhiều đường, sữa. Trong khi đó, trà sữa còn chứa nhiều loại phụ gia để pha chế như chất tạo bọt, tạo mùi, tạo màu, chất chống vón, làm ngọt… Nếu những loại phụ gia này kém chất lượng thì khả năng gây ngộ độc sẽ cao. Bột tạo màu không rõ nguồn gốc dễ gây tổn thương gan, thận, đặc biệt đối với trẻ em.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ em "nghiện" trà sữa sẽ phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Cha mẹ nên điều chỉnh thói quen uống trà sữa thường xuyên của trẻ, thay bằng các loại đồ uống tươi, có nhiều chất dinh dưỡng với thành phần tự nhiên như nước hoa quả, nước từ các loại lá, củ… để tránh trường hợp trẻ bị lệ thuộc vào đường, thừa cân, béo phì, thậm chí là ngộ độc vì trà sữa trôi nổi không rõ nguồn gốc.
An Dương (T/h)