Ca sĩ Mỹ Linh: ‘Muốn ăn thực phẩm sạch mà đòi rẻ là không bảo vệ người nông dân'

author 21:35 23/08/2016

(VietQ.vn) - Ca sĩ Mỹ Linh cho rằng: "Muốn người nông dân làm thực phẩm sạch mà thượng đế lại chỉ nhăm nhăm mua sản phẩm của họ với giá rẻ thì họ làm sao sống nổi để làm sạch?

Sự kiện: Thực phẩm bẩn kinh hoàng

Tại diễn đàn kết nối doanh nghiệp – người tiêu dùng đón sóng thực phẩm sạch vừa được tổ chức sáng nay tại Hà Nội, Diva nổi tiếng của làng giải trí Việt Nam, ca sĩ Mỹ Linh tỏ mối lo ngại và hoang mang về thực phẩm hiện nay. Ca sĩ Mỹ Linh cho rằng, không biết đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm không sạch.

 Ca sĩ Mỹ Linh phát biểu tại Diễn đàn về thực phẩm sạch. Ảnh Thành Đạt

"Ai là người mang lại niềm tin cho người tiêu dùng chúng tôi? làm sao để chúng tôi biết đâu là sản phẩm sạch?”, ca sĩ Mỹ Linh nói.

Theo ca sĩ Mỹ Linh: "Chúng ta phải dùng công nghệ để người sản xuất phải chứng nhận được sản phẩm của họ là sạch nhưng làm sao để phải rẻ, để cho nhiều người mua được. Muốn ăn sạch, thực phẩm là thứ mang lại sức khỏe nhưng lại muốn rẻ. Trong khi đó các vị có thể bỏ tiền mua những thứ rất đắt. Mọi người có thể đi nghỉ, mua ô tô, nhà lầu... nhưng thứ thiết thực nhất đối với sức khỏe lại muốn rẻ".

"Tôi nghĩ như vậy là không bảo vệ người nông dân và vẫn tư tưởng rẻ như thế, đừng đòi hỏi thực phẩm sạch. Tôi ở nhà tự trồng và tôi thấy rất đắt, không hề rẻ chút nào", Ca sĩ Mỹ Linh nói.

Báo động thực phẩm không an toàn

Theo Viện Kiểm nghiệm Thực phẩm, có 40/120 mẫu rau kiểm tra chứa tàn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. 455/735 mẫu thịt gia súc, gia cầm không an toàn cho người sử dụng.

Còn theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, có hơn 2.000/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán thuốc kém chất lượng và hơn 2.500/11.000 cơ sở sản xuất và buôn bán vi phạm quy trình chuẩn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh - đoàn Hải Phòng cho rằng, mỗi năm Việt Nam có 150 nghìn người mới mắc ung thư, 75 nghìn người chết và 250 nghìn người mắc ung thư mỗi ngày. "Còn đường từ dạ dày đến nghĩa trang chưa bao giờ ngắn thế", Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh nói.

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: “90% người dân có mỗi quan tâm là thực phẩm an toàn, thế nhưng chỉ trong năm 2015, cả nước xảy ra 171 vụ ngộ độc với gần 5.000 nạn nhân.

Theo các chuyên gia, việc cần thiết lúc này là cơ quan chức năng đưa ra quy chuẩn về lượng nitơrat trong sản phẩm để đưa tới người tiêu dùng, doanh nghiệp được biết.

Doanh nghiệp cũng hoang mang vì phải đủ chứng nhận mới được sản xuất, tiêu thụ, điều đó làm cho việc "cò mồi", mua chứng nhận diễn ra. Việc cấp chứng nhận tràn lan cũng làm cho người tiêu dùng không còn tin tưởng vào các chứng nhận đó với thực phẩm.

Đại diện một doanh nghiệp mới thành lập bày tỏ cần phải quy trách nhiệm của người đứng đầu về việc cấp phép với doanh nghiệp sai phạm, đưa sản phẩm độc hại ra thị trường. Từ đó, niềm tin của người tiêu dùng mới được củng cố.

Theo nhiều người chia sẻ, niềm tin chủ yếu của người tiêu dùng bây giờ là ở các tập đoàn lớn, "tập đoàn có tâm", nhưng đếm trên đầu ngón tay như Vinamilk, Macsan, TH hay Vineco …

 Người tiêu dùng đứng trước nhiều nguy cơ về thực phẩm bẩn. Ảnh ST

Làm nhiều năm trong nghề, đón đọc được tâm lý người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Hòa, GĐ siêu thị Organic KH cho hay: “Tâm lý người tiêu dùng hoang mang ngay cả cái tên organic, người tiêu dùng mua theo niềm tin vào người bán mà chưa nắm được đâu là sạch hay không sạch. 

Các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm sạch kêu gặp không ít khó khăn vì khi có sản phẩm để tiêu thụ nhưng hầu hết khó cạnh trạnh được với thực phẩm bẩn do giá thành cao, đầu tư công thêm sức nhiều vì thế thực phẩm sạch chưa đến được tay người tiêu dùng phổ biến.

Cơ quan chức năng nói gì?

Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNN nhấn mạnh, "Bộ NN&PTNT cũng mong muốn lắng nghe những góp ý để rà soát lại chính sách cũng như cơ chế, phát huy vai trò doanh nghiệp, khuyến khích những nhà đầu tư chính đáng cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường, người tiêu dùng".

Về việc xử lý sai phạm của các cơ sở, doanh nghiệp sản  xuất thực phẩm bẩn, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản - Bộ NN&PTNT cho biết: “Bộ NN&PTNT cũng phối hợp với Bộ Công an để tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm với các cá nhân doanh nghiệp về sản xuất thực phẩm bẩn. Sắp tới đây, luật sẽ được thi hành, khi đó, chế tài xử phạt với các cá nhân, doanh nghiệp vi phạm cao nhất là 20 năm tù”.

Ông cho biết thêm, bất cứ cá nhân nào thấy sai phạm, cơ quan chức năng sẽ phối hợp với cơ quan công an để vào cuộc điều tra, xử lý vi phạm nếu có.

Về nguyên nhân tồn tại thực phẩm bẩn, ông Vũ Minh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho biết: “Do kỷ luật kém của người Việt Nam, tính cấu kết cộng đồng không bền vững”.

Ông cho rằng vấn đề đạo đức con người là vấn đề quan trọng nhất trong sản xuất sạch. ngoài thị trường, các mặt hàng chất lượng do giá thành cao, chất lượng cao, xây dựng luật bán lẻ. Biểu dương các doanh nghiệp làm ăn tốt. cô lập doanh nghiệp làm ăn vụng trộm. Cơ quan quản lý phải bảo vệ, đứng về phía người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược PTNNNT cho hay: “Lúc này đây không còn là chính sách hay trên bàn giấy, mà phải là hành động quyết liệt, dứt điểm của cơ quan chức năng. Phải kiểm tra đột xuất, chặn khâu đầu vào. Phạt nặng với các doanh nghiệp, cơ sở sai phạm”

Ông cũng cho biết thêm, khó khăn lớn nhất hiện nay là do cơ sở nhỏ lẻ nhiều mà lực lượng cơ quan chức năng mỏng, nên việc điều phối chỉ định cho các cơ quan ngoài nhà nước thực thi quản lý sai phạm của doanh nghiệp là cần thiết.

Đức Mậu

Xem thêm video cận cảnh quá trình pha chế nước dừa tắc "siêu bẩn":

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang