Các chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2022

author 06:12 01/05/2022

(VietQ.vn) - Từ tháng 5/2022, nhiều chính sách mới có hiệu lực, trong đó sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vay vốn tới 4 triệu đồng/ tháng, người dân được đăng ký xe máy ở công an xã, phường, thị trấn...

Đăng ký xe máy tại công an xã, đăng ký ô tô tại công an huyện

Từ ngày 21/5/2022, khi Thông tư 15/2022/TT-BCA có hiệu lực, thẩm quyền cấp đăng ký, biển số xe máy, ô tô sẽ có sự thay đổi. Cụ thể, đăng ký, cấp biển số xe máy tại công an cấp xã. Đăng ký, cấp biển số xe ô tô tại công an cấp huyện.

Như vậy, tới đây, người dân khi mua xe máy có thể đến trực tiếp công an xã nơi mình thường trú để để làm thủ tục đăng ký xe và bấm biển số mà không cần đến công an huyện.

Hay như trường hợp mua ô tô, người dân cũng không cần đến công an cấp tỉnh để làm thủ tục sang tên hoặc đăng ký mới mà có thể đến thẳng công an cấp huyện nơi mình có hộ khẩu thường trú để thực hiện thủ tục này.

Trước đó, Thông tư 65/2020/TT-BCA phân cấp thẩm quyền thực hiện việc đăng ký cấp biển số xe cho tổ chức, cá nhân Việt Nam quy định việc đăng ký, cấp biển số xe máy ở công an cấp huyện và đăng ký, cấp biển số xe ô tô ở công an cấp tỉnh.

Sinh viên khó khăn được vay vốn tới 4 triệu đồng/ tháng

Bắt đầu từ ngày 19/5, Quyết định 05/2022/QĐ-TTg có hiệu lực, đã điều chỉnh quy định về tín dụng đối với học sinh, sinh viên. Cụ thể, mức vay vốn tối đa của mỗi sinh viên tăng từ 2,5 triệu đồng/tháng lên 4 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, những học sinh, sinh viên được vay vốn phải nằm trong diện có hoàn cảnh khó khăn như mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo hoặc hộ có mức sống trung bình; gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh…

Có thể nộp phạt nguội tại công an nơi cư trú

Cũng tại Thông tư 15/2022/TT-BCA, quy định từ 21/5/2022, người bị phạt nguội ở huyện khác sẽ không cần phải quay lại nơi vi phạm giải quyết phạt nguội.

Cụ thể, khi xác minh được người bị phạt nguội mà người đó không cư trú tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan công an đã phát hiện vi phạm thì kết quả phạt nguội sẽ được gửi về cho công an nơi người vi phạm cư trú để giải quyết và xử lý vi phạm.

Theo đó, gửi cho công an xã nếu lỗi vi phạm thuộc thẩm quyền xử phạt của trưởng công an cấp xã.

Gửi cho công an huyện nếu lỗi vi phạm không thuộc thẩm quyền xử phạt của trưởng công an cấp xã hoặc thuộc thẩm quyền xử phạt của trưởng công an cấp xã nhưng công an xã chưa được trang bị hệ thống mạng kết nối.

Lúc này, cơ quan công an nơi người vi phạm cư trú sẽ mời người đó đến trụ sở để giải quyết vụ việc.

Hiện nay, nếu bị phạt nguội, người vi phạm vẫn phải đến tận trụ sở công an nơi phát hiện vi phạm để làm việc. Do đó, nhiều tài xế sau khi vi phạm ở tỉnh khác, phải quay lại quãng đường cả trăm km để nhận quyết định xử phạt.

Tăng mức trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân xuất ngũ

Tăng mức trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân xuất ngũ là nội dung được đề cập tại Thông tư 22/2022/TT-BQP quy định về điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.

Theo đó, từ ngày 1/1/2022, điều chỉnh tăng thêm 7,4% trên mức trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021.

Mức trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm.

Cụ thể: Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 2.031.000 đồng/tháng; từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 2.123.000 đồng/tháng; từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2.217.000 đồng/tháng; từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2.309.000 đồng/tháng; từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 2.400.000 đồng/tháng.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 16/5/2022.

Hỗ trợ đến 3 triệu đồng cho phụ nữ dân tộc thiểu số sinh 1-2 con

Nội dung này được quy định tại Thông tư 15/2022/TT-BTC về quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025, có hiệu lực từ ngày 01/5/2022.

Cụ thể, hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù sinh con đúng chính sách dân số tối đa 3 triệu đồng/bà mẹ.

Theo đó, tại Điều 4 Nghị định 104/2003/NĐ-CP nêu rõ mục tiêu chính sách dân số là duy trì mỗi cặp vợ chồng có 1 hoặc 2 con để ổn định quy mô dân số, bảo đảm cơ cấu dân số và phân bố dân cư hợp lý, nâng cao chất lượng dân số.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 39/2015/NĐ-CP, phụ nữ là người dân tộc thiểu số sinh 1 hoặc 2 con thuộc trường hợp sinh con đúng chính sách dân số.

Hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Thông tư 15/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2022.

Trong đó, về hỗ trợ chuyển đổi nghề, trường hợp chính quyền địa phương không bố trí được đất sản xuất, thì hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất được hỗ trợ 1 lần chuyển đổi nghề. Mức hỗ trợ tối đa 10 triệu đồng/hộ để mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các ngành nghề khác. Trường hợp không có nhu cầu mua sắm nông cụ, máy móc thì được hỗ trợ học nghề để chuyển đổi nghề theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/09/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Quy trình, phương thức hỗ trợ thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc.

Thành Long (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang