Các thị trường nhập khẩu ngày càng quan tâm đến yếu tố tăng trưởng xanh

author 08:34 15/02/2023

(VietQ.vn) - Các nhà nhập khẩu hiện nay bên cạnh yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh, họ còn đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất đối với yếu tố môi trường, tăng trưởng xanh... Bởi vậy, việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn là vô cùng cấp thiết.

Theo Báo cáo đánh giá rủi ro toàn cầu, hiện nhân loại đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn, đó là: biến đổi khí hậu; ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh tuyến tính truyền thống với nền kinh tế khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và xả thải gây ô nhiễm môi trường... đây là tác nhân gây nên biến đổi khí hậu. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra trong bối cảnh hiện nay đó là việc chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững hơn.

Kinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Ảnh minh họa.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, ngày 7/6/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Do đó, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam là một trong các định hướng ưu tiên trong quá trình cơ cấu lại và thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế, trực tiếp góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính/GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về "0" vào năm 2050.

Phát triển kinh tế tuần hoàn là một quá trình liên tục, được lồng ghép và cộng hưởng với các chính sách, dự án liên kết vùng, các hoạt động thực hiện Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050... Qua đó, ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng chống chịu của người dân với biến đổi khí hậu, đảm bảo bình đẳng về điều kiện, cơ hội phát huy năng lực, cải thiện năng suất lao động và thu nhập của người lao động.

Phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ đóng góp vào việc phục hồi các tài nguyên tái tạo được, giảm tiêu hao năng lượng, tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo trên tổng cung cấp năng lượng sơ cấp, tỉ lệ che phủ rừng, tăng cường tỉ lệ tái chế rác thải, tăng cường tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm nông, lâm, thủy sản và công nghiệp xuất khẩu; tái sử dụng, tái chế...

Còn theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát triển thương mại gắn liền với phát triển bền vững đến nay đã được lồng ghép với các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… Bên cạnh đó, các nhà nhập khẩu hiện nay cùng với yêu cầu về chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh, họ còn đặc biệt quan tâm đến trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất đối với yếu tố môi trường, tăng trưởng xanh...

“Chủ trương thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đòi hỏi Việt Nam phải tổ chức sản xuất để phù hợp với các cam kết mới của các Hiệp định, gắn với yêu cầu phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn. Trong năm 2021 về mức độ tận dụng ưu đãi trong các hiệp định, ví dụ trong Hiệp định CPTPP của chúng ta mới chỉ đạt 6,3%, trong Hiệp định EVFTA mới chỉ đạt 20%, do đó, dư địa để chúng ta cải thiện và tận dụng cơ hội khi tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là rất nhiều. Áp dụng các mô hình kinh doanh tuần hoàn để hướng tới tăng trưởng xanh hướng, tới một nền kinh tế xanh”, bà Hồng Minh cho biết.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang