Phát triển kinh tế tuần hoàn: Hãy đối xử công bằng với rác!

author 07:53 26/01/2023

(VietQ.vn) - Ở Việt Nam, chúng ta thường nghe thấy hoàn tiền, hoàn hàng... chứ chẳng ai nghe đến “hoàn rác”. Đó là một câu chuyện dài về phát triển nhận thức.

Cậu em tôi hiện sinh sống và làm việc tại Nhật Bản gần 5 năm. Còn nhớ, năm đầu sang cậu có gọi về rồi cười bảo rằng: “Em vừa được nhận lại hai túi rác của mình”.

Tôi thắc mắc thì cậu kể: “Chẳng phải dịp gì nhưng tối vừa rồi cả phòng em làm một bữa liên hoan, mấy anh em vui quá nên uống hơi nhiều. Ăn uống xong, dọn dẹp bọn em lại để rác gồm cả thức ăn thừa và lon bia, chai nhựa vào cùng một túi rồi để trước cửa phòng, có ghi số phòng lại trên túi rác.

Sau đó, túi rác được nhân viên dọn dẹp đưa đi nhưng sáng hôm tiếp theo thì lại thấy túi rác được đặt đúng vị trí cũ. Cuối cùng, em phải tự đổ rác ra để phân loại. Kể từ đó đến nay, phân loại rác trở thành một công việc nghiêm túc chứ không còn là việc thích thì làm không thích thì thôi. Bởi nếu như mình không thực hiện việc phân loại rác, rất có thể sẽ bị xử phạt nặng và mức phạt đánh thẳng vào túi tiền của mình.

Hơn nữa, khi muốn vứt những loại rác như đồ sành sứ, chai thủy tinh, lon bia, vỏ ga mini, bìa cát tông... phải theo ngày cố định trong tháng. Còn những đồ như tivi, tủ lạnh, máy giặt, giường ngủ, bàn ghế... mình phải chi trả một số tiền để nhân viên mang rác đi phân hủy, không phải cứ vứt ra bãi rác là được”.

Công nhân thu gom rác thải trên đường Trần Thái Tông, TP.Hà Nội. Ảnh: Như Quỳnh. 

Nói đoạn, tôi quay sang nghe tiếng kẻng đổ rác quen thuộc ở khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) nơi tôi đang sinh sống. Tất cả các loại rác được nhân viên thu gom đổ đống vào với nhau, rồi ép xuống chiếc thùng sắt được cơi nới 4 bên, ngoại trừ lon bia, chai nhựa và một số đồ bán được, còn lại tất cả được trộn lẫn mang một thứ mùi không thể nồng nặc hơn. 

Tôi bỗng nhớ đến câu nói gây ấn tượng của một vị chuyên gia mà tôi không nhớ rõ tên: “Rác thải là tài nguyên, chúng ta phải nhìn nhận thấy giá trị của rác thải và việc phân loại, thu gom rác thải bởi đó cũng chính là khởi nguồn của một vấn đề vĩ mô - kinh tế tuần hoàn”.

Trong đó, hiểu đơn giản thì mô hình kinh tế tuần hoàn nghĩa là biến rác thải của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại của bản thân một doanh nghiệp. Nói cách khác, kinh tế tuần hoàn chính là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, quyết không đánh đổi tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Nhưng có lẽ trước khi nghĩ đến phát triển kinh tế tuần hoàn, chúng ta hãy nghĩ đến xử lý rác đầu tiên, vì cái hay của kinh tế tuần hoàn là đối xử công bằng với rác thải, biến nó thành sản phẩm hữu ích chứ không phải là lựa chọn một trong hai phương án: đốt hoặc chôn lấp.

Đồng thời, ý thức của người dân về thu gom, phân loại rác thải cũng phải nâng cao, không thể “bạ đâu vứt đấy”. Sự giáo dục để giúp mỗi người nhận thức được hành động của mình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó không chỉ thể hiện văn hóa của từng người mà thông qua đó còn thể hiện văn hóa của cả một đất nước.

Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh - Hiệp hội Nhựa Việt Nam. 

Một đề xuất rất hay về việc việc thu gom, tái chế rác thải được khơi gợi khi tôi có dịp ngồi trò chuyện với ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh - Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ông chia sẻ rằng: “Tôi rất mong muốn người Việt mình từng bước văn minh hơn bởi như một số nước phát triển, họ xử lý rác thải và đảm bảo môi trường sống xanh, sạch. Sang nước họ thấy khâm phục vậy thì tại sao chúng ta lại không làm được? Chúng ta nhất định làm được.

Có người nói xử lý rác thải là một trong những loại hình quản lý khó nhất, phải cần đến 30.000 - 40.000 USD/đầu người thì mới đủ tiềm lực để xử lý sạch sẽ. Nhưng tôi lại không nghĩ vậy, vì trong một mức độ nào đó có thể mình không sạch bằng người ta thì mình xử lý sạch bằng 50% người ta; thứ hai, nếu có chính sách thông minh cùng với quyết tâm thì cũng không nhất thiết chi phí phải cao đến thế.

Như tại Nhật Bản, năm 1971 tuyên bố cuộc chiến chống chất thải tại Tokyo thì năm đó thu nhập đầu người của quốc gia này cũng không quá cao, nhưng họ vẫn làm suốt từ đó đến nay. Đến khoảng năm 2000 nước họ đã vắng bóng rác thải, người Nhật được thế giới biết đến vì sự sạch sẽ và ý thức rất cao trong vấn đề xả thải ra môi trường. Tại nước này, toàn dân phải đóng góp chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, xử lý rác thải khoảng 2 triệu đồng/người/tháng (tùy từng khu vực), vì vậy họ có nguồn lực để thực thi các chính sách hiệu quả.

Ở Việt Nam, nếu mỗi người dân đô thị nộp 1 tháng khoảng 200 nghìn/người thì tôi tin sẽ xử lý được rác thải sạch sẽ đáng kể. Tuy nhiên, giả sử một gia đình có hai vợ chồng, mỗi tháng đóng 400 nghìn đồng tiền rác, 1 năm vị chi là 4,8 triệu đồng liệu có chịu được không? Còn hiện tại, chúng ta một gia đình một năm đóng khoảng một vài trăm nghìn tiền rác thì Chính phủ, Nhà nước lấy đâu ra chi phí để xử lý?”.

Thực tế là, chính tôi cũng mong đến một ngày không phải nghe chuyện của cậu em bên Nhật nữa mà ngay đây, tại nhà tôi ở Việt Nam, nếu tôi có lỡ tay bỏ đống rác hỗn độn vào một túi thì hôm sau sẽ được “hoàn rác” ở cổng nhà mình, hoặc có bị xử phạt đi chăng nữa thì cũng là một bài học nhớ đời.

Như Quỳnh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang