Cảnh báo: Hơn 50% mỹ phẩm chứa hóa chất độc hại PFAS ở Mỹ, Canada
Mập mờ ghi nhãn, hãng mỹ phẩm Hàn Quốc bị người dùng tố 'giả dối'
Lộ diện nhà máy sản xuất mỹ phẩm hơn 500 tỷ đồng tại Việt Nam
Tràn lan mỹ phẩm tự nhiên nhưng công thức... tự chế
Theo hãng tin AP, các nhà nghiên cứu tại Đại học Notre Dame đã kiểm tra hơn 230 loại mỹ phẩm được sử dụng phổ biến và phát hiện 56% sản phẩm kem nền và mỹ phẩm mắt, 48% son môi và 47% mascara có chứa hàm lượng flo hữu cơ, một hợp chất có chỉ số Polyfluoroalkyl (PFAS) cao.
PFAS là nhóm khoảng 9.000 hợp chất được sử dụng để sản xuất các sản phẩm như bao bì thực phẩm, quần áo, thảm chống nước và chống ố. Chúng thường được mệnh danh là “hóa chất vĩnh viễn” vì không phân hủy tự nhiên và được phát hiện tích tụ trong cơ thể người.
Có tới hơn 50% mỹ phẩm tại Mỹ, Canada có chứa hóa chất độc hại. Ảnh: Tuổi Trẻ/AP
Các sản phẩm chứa hàm lượng PFAS cao nhất bao gồm mascara không thấm nước (82%), kem nền (63%) và son môi dạng kem (62%), theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science & Technology Letters.
Nghiên cứu cũng cho biết, 29 sản phẩm có hàm lượng flo cao hơn thông thường được kiểm tra và phát hiện có chứa từ 4 đến 13 hóa chất PFAS cụ thể.
Ông Graham Peaslee, Giáo sư Vật lý tại Đại học Notre Dame, nhà khoa học chính của nghiên cứu cho biết mỹ phẩm chứa hóa chất độc hại sẽ gây ra rủi ro trước mắt và lâu dài.
“PFAS là chất hóa học khó phân hủy. Khi đi vào máu, nó sẽ ở đó và tích tụ lại. Các hóa chất này cũng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất và xử lý”, ông Peaslee nói.
Nghiên cứu không chỉ rõ tên công ty mỹ phẩm cụ thể, trong khi tài liệu hỗ trợ chỉ ra rằng các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm trên hàng chục thương hiệu.
Phát ngôn viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không đưa ra bình luận về nghiên cứu này. Trên trang web của mình, FDA cho biết có rất ít nghiên cứu về sự tồn tại của các loại hóa chất trong mỹ phẩm. Những nghiên cứu được công bố thường cho thấy hàm lượng hóa chất ở mức rất thấp và không có khả năng gây hại cho con người.
Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ cũng đang tiến hành thu thập dữ liệu về việc sử dụng PFAS và các rủi ro sức khỏe liên quan đến loại hóa chất này để đưa ra các quy định phù hợp, nhằm giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn do hóa chất gây ra.
Hội đồng Sản phẩm Chăm sóc Cá nhân, hiệp hội thương mại đại diện cho ngành mỹ phẩm, cho biết một số lượng nhỏ hóa chất PFAS có thể được tìm thấy dưới dạng thành phần hoặc ở mức vi lượng trong các sản phẩm như kem dưỡng da, sơn móng tay, phấn trang điểm mắt và kem nền. Các hóa chất này thường được sử dụng để tạo độ nhất quán của sản phẩm và phải tuân theo yêu cầu an toàn của FDA.
“Các công ty thành viên của chúng tôi rất coi trọng trách nhiệm của họ đối với sự an toàn của sản phẩm", Alexandra Kowcz, nhà khoa học chính của hội đồng nói và cho biết thêm rằng hội đồng ủng hộ việc cấm một số hóa chất PFAS sử dụng trong mỹ phẩm. “Khoa học và an toàn là nền tảng của mọi công việc mà chúng tôi thực hiện”.
Hiện nay, hợp chất nhân tạo được sử dụng trong vô số sản phẩm, bao gồm dụng cụ nấu ăn chống dính, dụng cụ thể thao không thấm nước, mỹ phẩm và bao bì thực phẩm chống dầu mỡ, bọt chữa cháy. Các nghiên cứu sức khỏe cộng đồng trên quần thể bị phơi nhiễm đã liên kết các hóa chất với một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm một số bệnh ung thư, làm suy yếu khả năng miễn dịch và sinh con nhẹ cân.
Thử nghiệm rộng rãi trong những năm gần đây cũng đã phát hiện thấy mức PFAS cao trong nhiều hệ thống nước công cộng và căn cứ quân sự.
Tiến sĩ Whitney Bowe, phó giáo sư lâm sàng về da liễu tại Trường Icahn (Trung tâm Y tế Mount Sinai), người không tham gia vào nghiên cứu cho biết: “Mặc dù tôi thường khuyên bệnh nhân của mình tránh các sản phẩm có chứa perfluor hoặc polyfluor, nhưng nghiên cứu mới này khiến tôi lo ngại vì nhiều sản phẩm bị nhiễm các hợp chất độc hại chứa PFAS - thường được sử dụng gần và xung quanh mắt, môi, thậm chí không liệt kê trên nhãn mác".
“Đó là mối nguy hiểm thực sự bở các hóa chất PFAS có thể dễ dàng được hấp thụ qua các tế bào mỏng manh, ngay gần các mao mạch. Ngoài ra, phụ nữ thường còn hay liếm môi và họ vô tình ăn phải các thành phần có trong son môi này…", bà Bowe cảnh báo.
Hiện Hội đồng Sản phẩm Chăm sóc, một hiệp hội thương mại có 600 thành viên đại diện cho hơn 90% ngành công nghiệp làm đẹp ở Mỹ, cho biết "chúng tôi đang chờ đánh giá khoa học nội bộ" trước khi đưa ra bình luận chính thức.
CNN cũng đã liên hệ với Liên minh Mỹ phẩm Canada nhưng không nhận được phản hồi nào. Các nhà nghiên cứu cho biết, ngoài khả năng ăn phải PFAS từ các sản phẩm môi, người dùng mỹ phẩm có thể hấp thụ các hóa chất qua da và ống dẫn nước mắt để chúng xâm nhập vào máu.
PFAS cũng được tìm thấy trong nước uống, đất và trong bao bì thực phẩm, có thể tích tụ trong cơ thể con người và tồn tại trong môi trường. Một số nghiên cứu đã liên kết chúng với các vấn đề về sinh sản, dị tật bẩm sinh, béo phì, tiểu đường và ung thư...
Các hóa chất thường được cố ý thêm vào các sản phẩm chăm sóc cá nhân như chỉ nha khoa, kem dưỡng da, sữa rửa mặt, phấn nền, son môi, kẻ mắt, phấn mắt, mascara chống nước, sơn móng tay và kem cạo râu để cải thiện độ bền, kết cấu và khả năng chống nước.
PFAS là gì? Hóa chất PFAS được tạo thành từ chuỗi liên kết các nguyên tử cacbon và flo, không bị phân hủy trong môi trường. Nó được sử dụng trong nhiều loại sản phẩm như dụng cụ nấu nướng chống dính, áo choàng và màn phẫu thuật chống nhiễm trùng, điện thoại di động, chất bán dẫn, máy bay thương mại và các phương tiện có lượng khí thải thấp. Hóa chất PFAS cũng được sử dụng để làm thảm, quần áo, đồ nội thất và bao bì thực phẩm chống ố bẩn, nước và dầu mỡ. Thực phẩm có chứa nhiều dầu mỡ - như bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên - là những ứng cử viên hàng đầu cho giấy gói làm bằng PFAS. Trong khi hai trong số PFAS phổ biến nhất - axit perfluorooctanoic chuỗi 8 cacbon (PFOA) và perfluorooctane sulfonate (PFOS) – hiện đã bị loại bỏ khỏi các sản phẩm tiêu dùng ở Mỹ vào đầu những năm 2000, hiện ngành công nghiệp tiêu dùng đã tạo ra nhiều phiên bản mới, với hơn 4.700 loại PFAS tính đến năm 2018. Các chuyên gia cho biết, các hóa chất PFAS mới hơn được sản xuất với chuỗi 4 hoặc 6 cacbon nhưng dường như chúng lại có nhiều tác động nguy hiểm đến sức khỏe hơn so với các phiên bản cũ, khiến người tiêu dùng và môi trường vẫn gặp rủi ro. Nhà vi sinh vật học Linda Birnbaum, cựu giám đốc Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường và Chương trình Độc chất Quốc gia, trả lời phỏng vấn của CNN nói: “Các nhà sản xuất tìm đến những nguyên tử cacbon chuỗi ngắn hơn. Chúng đã không thực sự được yêu cầu kiểm tra an toàn đầy đủ trước khi mọi thứ được đưa ra thị trường". |
An Dương (T/h)