Cơ hội để cải thiện chất lượng nông sản Việt Nam khi xuất khẩu vào EU

author 06:26 25/02/2025

(VietQ.vn) - Liên minh châu Âu (EU) đã phát đi 16 cảnh báo về an toàn thực phẩm liên quan đến sản phẩm từ Việt Nam. Điều này không chỉ là thách thức cho các nhà xuất khẩu mà còn là cơ hội để cải thiện chất lượng nông sản Việt Nam.

Gia tăng cảnh báo từ EU

Theo Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), tính đến ngày 20/2/2025, EU đã phát đi 16 cảnh báo về an toàn thực phẩm liên quan đến sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam. Số lượng cảnh báo trong năm 2024 cũng tăng gần gấp đôi so với năm 2023, cho thấy xu hướng đáng lo ngại về chất lượng hàng hóa.

EU với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hàng đầu thế giới, sử dụng Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF) để phát hiện và xử lý các nguy cơ sức khỏe trong chuỗi cung ứng thực phẩm. Trong 2 tháng đầu năm 2025, 8 cảnh báo về thực phẩm mới được EU ghi nhận trên toàn cầu, trong đó 4 cảnh báo (50%) liên quan đến Việt Nam. Năm 2024, con số này là 37 cảnh báo cả năm, cho thấy mức độ gia tăng đáng kể trong thời gian ngắn.

Xuất khẩu nông sản cần đi đôi với chất lượng. Ảnh minh họa

Phân tích theo mối nguy, dư lượng hóa chất (thuốc trừ sâu, thuốc thú y) chiếm 53,5%, dư lượng kháng sinh trên thủy sản chiếm 50%, và dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trên sản phẩm thực vật chiếm 68,4% trong các cảnh báo năm 2024. TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội là hai địa phương chịu nhiều cảnh báo nhất, với TP.Hồ Chí Minh chiếm lần lượt 50,7% (2023), 36,8% (2024) và 25% (2 tháng đầu 2025).

Hậu quả của các cảnh báo này rất nghiêm trọng. EU áp dụng 4 biện pháp xử lý, trong đó thu hồi và tiêu hủy sản phẩm là nặng nhất. Tỷ lệ thu hồi sản phẩm Việt Nam tăng vọt từ 21,9% (25/114 cảnh báo) năm 2024 lên 56,3% (9/16 cảnh báo) trong 2 tháng đầu năm 2025, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Giá trị xuất khẩu tăng và đòi hỏi chất lượng phải tăng lên

Theo Tổng cục Hải quan, giá trị xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang EU từ năm 2020 đến 11 tháng năm 2024 lần lượt là: 2,91 tỉ USD, 3 tỉ USD, 4 tỉ USD, 3,6 tỉ USD và 4,21 tỉ USD. Dù giá trị tăng trưởng, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, nhận xét: "Xuất khẩu tăng chưa đến 50% trong 4 năm, nhưng cảnh báo tăng gần 300%. Một cường quốc nông sản top 15 thế giới lại đối mặt với tình trạng này ở thị trường chuẩn mực như EU là điều khó chấp nhận".

Trước thực trạng này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cùng Bộ Công Thương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản xuất khẩu, đảm bảo tuân thủ quy định của EU.

Tuy nhiên, các địa phương và doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin và tiêu chuẩn. Ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, thanh long và thủy sản của tỉnh đối mặt với thách thức lớn từ yêu cầu EU. Ông đề nghị Bộ NN&PTNT cập nhật văn bản và ban hành cẩm nang hướng dẫn cụ thể.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đăk Lắk nhấn mạnh, cần quy chuẩn cho cây trồng, vật nuôi chủ lực để tuyên truyền đến người sản xuất.

Về phía doanh nghiệp, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề nghị nâng cao nhận thức, năng lực bằng cách tập huấn cho các địa phương, nông dân, doanh nghiệp sản xuất rau quả trọng điểm sang EU. Cùng với đó xây dựng các tài liệu hướng dẫn dễ hiểu các yêu cầu của EU trong trồng trọt, thu hái, bảo quản… để xuất khẩu.

Ông Nguyễn Anh Duy - Chủ tịch Công ty CP Toàn Cầu Thanh Niên đề xuất SPS cho rằng cần có đầu mối Văn phòng SPS tại phía Nam, vì nơi đây tập trung đến 70% sản phẩm nông sản cho xuất khẩu. "Thông tin đến với doanh nghiệp cần nhanh chóng, kịp thời và chi tiết hơn để kịp thời phối hợp với người sản xuất. Việc này vừa tránh thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp và không ảnh hưởng đến uy tín nông sản quốc gia khi xuất khẩu", ông Duy chia sẻ.

Theo ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, năm 2005, khi mới gia nhập EU, Việt Nam từng nhận tới 600 cảnh báo mỗi năm. Sau khi triển khai giải pháp đồng bộ, số lượng giảm đáng kể nhờ nâng cao nhận thức và tuân thủ tiêu chuẩn. Đây là minh chứng rằng việc phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp có thể mang lại hiệu quả.

Để tránh các cảnh báo và duy trì uy tín trên thị trường quốc tế, việc nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu sang EU là nhiệm vụ cấp bách. Quy chuẩn kỹ thuật hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, cùng với việc kiện toàn hệ thống quản lý và hỗ trợ thông tin, sẽ là nền tảng để Việt Nam vượt qua thách thức này.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang