Cảnh báo xuất hiện nhiều chip giả khiến thị trường công nghệ hỗn loạn

author 06:12 05/08/2021

(VietQ.vn) - Từ đầu năm 2021, cơn khan chip đã lan rộng trên quy mô toàn cầu. Điều này dẫn đến hiện tượng chip giả đang len lỏi khắp nơi, khiến thị trường ngày càng hỗn loạn.

Chip giả kém chất lượng hoành hành trên thị trường

Từ đầu năm 2021, cơn khan chip đã lan rộng trên quy mô toàn cầu. Một số nhà sản xuất công nghệ lớn bắt đầu chấp nhận rủi ro và mua chip từ những nguồn hàng không rõ chất lượng. Mãi đến khi nhận hàng, họ mới phát hiện ra không ít lô hàng trong số đó là chip giả.

Do công nghệ sản xuất chip đã phát triển vượt bậc, cái gọi là chip giả bao gồm cả chip kém chất lượng, hàng cũ, hàng nhái và nhiều loại phức tạp khác. Vấn đề đặt ra với thị trường công nghệ toàn cầu bây giờ là "Ai sẽ tham gia vào chuỗi giao dịch chip giả? Ai sẽ trở thành nạn nhân chính của chúng? Và quan trọng hơn, những kẽ hở nào trên thị trường chip cho phép các phần tử bất hợp pháp lợi dụng cơ hội này?".

Trên thị trường có 3 loại chip giả chính. Loại thứ nhất là những con chip cũ được tân trang lại. Sun Zhenxiang, nhà kinh doanh chip tại Thâm Quyến, cho biết một số quốc gia có yêu cầu về tuổi thọ của thiết bị điện tử. Chúng cần được thay thế sau 3 - 5 năm sử dụng, ngay cả khi hiệu suất chip trong thiết bị vẫn ổn định. Những con chip được thay thế này sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc dưới dạng rác thải điện tử và sau đó được bán lại.

Theo Sina, một số nhà sản xuất sẽ tái chế chip phế liệu, không đủ tiêu chuẩn. Sau đó sửa chữa lại, đóng gói thành "chip mới" rồi bán ra thị trường. Bằng cách này, chip giả dễ dàng xâm nhập vào chuỗi cung ứng điện tử vì có sẵn "hợp đồng". Mô hình này tương tự thị trường "điện thoại tân trang". Tuy nhiên, việc "tân trang" chip phải trải qua nhiều quá trình thử nghiệm, kiểm tra, đảm bảo hiệu suất đáp ứng được tiêu chuẩn nhất định.

 Chíp giả xuất hiện ở khắp nơi gây nhiễu loạn thị trường. Ảnh: VnExpress

Loại thứ hai của chip giả, kém chất lượng là những lô hàng được "nâng cấp", phù phép thành chip mới. Sau khi tái chế chip cũ, họ xoá nhãn hiệu trên chip cũ rồi đổi thương hiệu thành chip cao cấp. Lợi nhuận của những lô hàng chip giả này từ đó cũng được nhân lên nhiều lần.

Loại cuối cùng là các nhà sản xuất bắt chước con chip gốc để tạo ra một sản phẩm trông tương tự và bán ra thị trường. Những con chip nhái này kém xa chip gốc về quy trình sản xuất và hiệu năng.

Nhiều nhà sản xuất chấp nhận rủi ro khi dùng chip giả vì nhiều khó khăn

Giới phân tích cho rằng các nhà sản xuất sản phẩm điện tử nhỏ có nhiều khả năng mua phải chip giả. Những chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất nổi tiếng sẽ khó bị ảnh hưởng bởi những lô hàng kém chất lượng. Các nhà sản xuất lớn thường chọn đặt hàng từ trước và duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài với 2 - 3 nhà cung cấp cố định. Những nhà cung cấp này thường yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn kỹ thuật, quản lý chuỗi cung ứng và thay thế phụ tùng.

BotFactory - công ty sản xuất máy in 3D cho ngành sản xuất linh kiện điện tử - đã không tìm được nhà sản xuất chip phù hợp để mua vi mạch trong vài tháng. Khi ngày giao sản phẩm đến gần, họ phải chọn một người bán không quen biết trên nền tảng AliExpress thuộc AliExpress. Andrew Ippoliti, kỹ sư trưởng tại BotFactory, cho biết, sau khi nhận được lô hàng, nhiều chip trong lô đó trở nên vô dụng, không hoạt động ổn định.

Theo ZDNet, nạn nhân chính của chip giả là những nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn nhỏ và những thương hiệu công nghệ mới gia nhập thị trường. Mặc dù có quy mô nhỏ, các công ty này có thể tham gia vào các ngành công nghiệp quan trọng như quốc phòng, chăm sóc sức khoẻ và thậm chí cả ôtô. Trước đó vào năm 2012, Thượng viện Mỹ đã tuyên bố hơn 1 triệu chip giả đã được sử dụng trong các trang thiết bị của lực lượng Không quân, Hải quân và Lực lượng Hoạt động Đặc biệt.

Thế khó của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong cuộc chiến chip giả là sau khi nhận được chip, họ sẽ sử dụng các công cụ để kiểm tra xem hiệu suất có đủ tiêu chuẩn không. Tuy nhiên theo Wall Street Journal, do lượng đặt hàng gấp rút và tình trạng thiếu chip ngày càng lan rộng, một số nhà sản xuất nới lỏng việc kiểm tra chất lượng đầu vào.

Diganta Das, nhà nghiên cứu về các sản phẩm điện tử giả tại Đại học Maryland, cho biết trên thực tế, hầu hết công ty đều nhận thức rõ sự cần thiết phải thận trọng khi mua chip từ các nhà phân phối. Tuy nhiên, quy trình kiểm tra thường kéo dài từ một đến hai tuần. Do đơn đặt hàng gấp rút và các lý do khác, một số nhà sản xuất khó có thể chờ đợi lâu như vậy.

Michael Pecht, nhà sáng lập CALCE (Trung tâm đánh giá và giảm thiểu rủi ro cho các sản phẩm, hệ thống điện tử) cũng tin rằng các công ty thường không dành quá nhiều thời gian cho việc thử nghiệm chip. Pecht cho rằng nạn nhân của chip giả ưu tiên cho việc tiết kiệm thời gian cho công ty hơn là đánh giá đầu vào của các con chip.

Ngoài chi phí thời gian, giá thành của quá trình phát hiện chip giả cũng rất cao. Ian Walker, Giám đốc hoạt động của Princeps Electronics - nhà phân phối chip nổi tiếng của Anh, cho biết nhu cầu kiểm tra điện đã tăng gần gấp bốn lần trong năm nay. Thử nghiệm điện thường có thể phát hiện hiệu suất cách điện của thiết bị và trạng thái hoạt động của thiết bị. Tuy nhiên, những thử nghiệm chuyên nghiệp đòi hỏi các kỹ sư chuyên môn cao. Điều đó đồng nghĩa các nhà sản xuất phải trả hàng chục nghìn USD để xác minh xem một chip trị giá 3 USD có đủ tiêu chuẩn hay không. "Hiện tại, rất khó để chúng tôi phát hiện 'chip giả' một cách hiệu quả và rẻ tiền", Ian Walker nói.

Creative Electron - công bán thiết bị kiểm tra tia X có thể phát hiện xem chip có "rỗng" hay không hoặc mạch chip có nhất quán hay không - cho biết: "Một thiết bị kiểm tra chip như vậy được bán với giá 90.000 USD". Giám đốc điều hành Bill Cardoso của hãng tiết lộ: "Doanh số thiết bị này đã tăng gấp đôi vào năm ngoái". Đại diện Creative Electron khẳng định càng kiểm tra nhiều, họ phát hiện càng nhiều chip và bộ phận điện tử không đạt tiêu chuẩn.

Ngoài ra, việc giám sát thị trường chip giả cũng không hề dễ dàng. Michael Ford, Giám đốc cấp cao về linh kiện điện tử của Aegis Software cho biết, hầu hết công ty đều gặp phải chip giả ba lần mỗi năm. Ông nói thêm các công ty này thậm chí đã không báo cảnh sát hoặc khiếu nại rằng họ đã gặp phải "chip giả."

Một số nhân vật và chuyên gia trong ngành cũng đề cập rằng có rất nhiều chip giả, nhưng các nhà sản xuất bị hại thường không muốn công khai thừa nhận rằng họ đã bị lừa. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đế danh tiếng của công ty. Vì vậy việc giám sát thị trường chip giả càng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt một số phi vụ mang tính chất xuyên quốc gia.

Trước tình trạng khan hiếm chip trên toàn cầu, vấn nạn chip giả đã tồn tại nhưng không mấy người quan tâm. Sau khi "cơn khát" chip lan sang các lĩnh vực khác nhau, một số nhà sản xuất vừa và nhỏ bắt đầu mua một số chip giả từ các kênh không chính thức và sử dụng ngay lên sản phẩm của mình. Những thiết bị mang chip giả đã gây ra thiệt hại lớn cho thị trường nói chung và người dùng đầu cuối nói riêng do hiệu suất không ổn định và các nguy cơ khác.

Liên quan tới tình trạng thiếu chip toàn cầu, các nhà phân tích đánh giá, cơn khát nguồn cung chip bán dẫn sẽ kéo dài tới 2023. Chip bán dẫn là thành phần thiết yếu trong mọi sản phẩm điện tử, từ máy PlayStaytion 5, bàn chải đánh răng, đến máy giặt, đồng hồ báo thức. Nhưng số lượng chip cung ứng hiện không đủ cho thị trường và sự thiếu hụt này không có dấu hiệu giảm bớt. Nhiều người gọi đây là cuộc khủng hoảng chip - "chipageddon".

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này, theo nhiều chuyên gia, ngoài tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, còn đến từ dự đoán sai về nhu cầu thị trường chip vào năm ngoái khi Covid-19 bùng phát.

Glenn O’Donnell, Phó giám đốc nghiên cứu tại Forrester tin rằng tình trạng thiếu hụt chip có thể kéo dài đến năm 2023. "Nhu cầu tiếp tục tăng trong khi nguồn cung không có nhiều cải thiện trong thời gian tới", ông O’Donnell nói.

Ông dự kiến nhu cầu của máy tính, vốn sử dụng một số chip tối tân nhất, sẽ giảm nhẹ một chút trong năm tới nhưng không đáng kể. Dù vậy, các trung tâm dữ liệu, nơi đặt hệ thống máy chủ, sẽ mua thêm chip trong năm 2021 sau năm ngoái "đầy ảm đạm".

Xu thế không cản được của thiết bị hoá vạn vật cùng sự phát triển của điện toán đám mây, tiền mã hoá khiến chuyên gia này cho rằng "không thấy gì ngoài sự bùng nổ nhu cầu chip".

Trong khi đó, Patrick Armstrong, Giám đốc công nghệ thông tin của Plurimi Investment Managers tuần trước đánh giá, tình trạng thiếu chip trên toàn cầu sẽ kéo dài trong 18 tháng (đến tháng 11/2022)

Theo ông, sự thiếu hụt chip không chỉ ảnh hưởng đến ngành sản xuất ô tô mà còn tác động đến lĩnh vực điện thoại và rộng hơn xu hướng internet vạn vật. "Hiện có quá nhiều thiết bị sử dụng chip so với trước đây. Tất cả chúng đều được kết nối internet", ông nói.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang