Dự thảo cắt giảm 100.000 công chức: Đại biểu Quốc hội nói gì?

author 17:13 08/02/2014

Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chia sẻ những ý kiến xung quanh dự thảo tinh giản 100.000 biên chế mà Bộ Nội vụ vừa công bố.

“Để việc tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước được thực sự hiệu quả, tránh lợi dụng để trù dập cán bộ, theo tôi công tác này phải thực sự khách quan".

Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với PV chiều 7/2, về việc Bộ Nội vụ công bố dự thảo nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế để lấy ý kiến người dân cùng các bộ ngành và địa phương.

Bà Khá cho biết, việc tinh giản biên chế theo nghị định 132 đã hết hiệu lực năm 2012 trước đây còn nhiều hạn chế, chưa thật sự giảm được những người cần giảm. Tình trạng người chưa đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm trong cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được khắc phục.

Như bà nói ở trên, trước đây Chính phủ đã thực hiện việc tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức nhưng chưa thực sự hiệu quả, bộ máy còn cồng kềnh, vậy do những nguyên nhân gì thưa bà?

Theo tôi, trong số các nguyên nhân dẫn đến việc tinh giản cán bộ, công chức, viên chức chưa thực sự hiệu quả là do việc thực hiện ở các cơ quan, tổ chức nhà nước không cương quyết, còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại. Cùng với đó là các cơ quan, tổ chức không thực hiện tốt việc rà soát, phân loại để có căn cứ đưa vào diện tinh giản biên chế.

Nếu các cơ quan, tổ chức làm tốt vấn đề rà soát cán bộ thì sẽ có một số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được tiêu chuẩn của vị trí việc làm đang đảm nhiệm, cũng không bố trí được việc làm khác cần giải quyết tinh giản. Như vậy, nếu thực hiện công việc này được tốt thì từ nay đến 2020 bộ máy làm việc sẽ hiệu quả và đỡ tốn tiền của của dân, của Nhà nước.

Vậy theo lộ trình từ nay đến 2020 sẽ có rất nhiều cán bộ, công chức, viên chức không làm được việc sẽ phải “ra đi” thưa bà?

Đúng vậy. Theo tôi chúng ta cần bố trí những người có chuyên ngành đào tạo phù hợp với từng vị trí, chứ không thể tuyển ồ ạt, anh học chuyên môn gì sẽ được bố trí với đúng chuyên ngành, chuyên ngành của anh đã được đào tạo. Như vậy công việc của anh sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ như anh học chuyên ngành luật thì anh phải được bố trí làm công việc liên quan đến tư pháp...

Còn đối với những người không được bố trí công việc phù hợp với chuyên ngành đã được đào tạo, làm việc không hiệu quả, trình độ không đạt tiêu chuẩn, gần với tuổi nghỉ hưu, theo tôi nên khuyến khích họ nghỉ hưu sớm. Đối với những cán bộ làm việc không tốt, người dân phản ánh thường có biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân thì phải cương quyết buộc thôi việc, có như vậy thì việc tinh giản biên chế sẽ thực sự hiệu quả mà công việc của công chức sẽ tốt hơn.

Thưa bà, có ý kiến cho rằng, liệu có trường hợp lãnh đạo cơ quan, tổ chức lợi dụng việc tinh giản biên chế của nhà nước để trù dập cán bộ, viên chức và làm thế nào để trường hợp này không xảy ra?

Tôi cũng không ngoại trừ khả năng này. Để công tác tinh giản biên chế thực sự hiệu quả, tôi cho rằng các cơ quan tổ chức khi thực hiện việc tinh giản cán bộ, viên chức phải thực hiện một cách khách quan và công khai cho toàn thể cán bộ, viên chức trong cơ quan biết, góp ý xem người đó được bao nhiêu ý kiến đồng ý cho nghỉ việc.

Bên cạnh đó, hàng năm cơ quan, tổ chức phải bỏ phiếu tín nhiệm xem cơ quan, đơn vị có bao nhiêu người không được tín nhiệm, bên cạnh đó từ việc xếp loại công chức, viên chức để xem cán bộ, công chức nào không đạt tiêu chuẩn đến lúc đó buộc phải cho nghỉ hưu trước tuổi theo quy định hoặc buộc thôi việc.

Nếu việc tinh giản biên chế được thực hiện thực sự khách quan và công khai, minh bạch thì công tác này mới thực sự hiệu quả, còn nếu nể nang, né tránh hay lợi dụng để tiêu cực thì sẽ rất khó để triển khai.

Theo Infonet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang