Từ nghi vấn sử dụng linh kiện Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt Nam: Tập đoàn Asanzo làm ăn ra sao?

author 10:48 22/06/2019

(VietQ.vn) - CTCP Tập đoàn Asanzo của CEO Phạm Văn Tam làm ăn ra sao khi liên tục quảng bá "hàng Việt Nam, đỉnh cao công nghệ Nhật" nhưng lại đang dính nghi vấn "hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam".

Sự kiện: Doanh nghiệp

Được thành lập năm 2013, Asanzo khởi đầu bằng việc buôn bán các sản phẩm điện gia dụng và hàng điện tử. Đầu năm 2016, công ty bắt đầu kinh doanh các sản phẩm điện lạnh (máy lạnh, quạt); đến tháng 8/2017, hãng bước chân vào lĩnh vực điện thoại thông minh (smart phone). Đặc biệt, với sản phẩm Smart TV đang chiếm 90% doanh số của Asanzo và đạt tốc độ tăng trưởng hơn 40% mỗi năm.

Sản phẩm Smart TV đang chiếm 90% doanh số của Asanzo

Năm 2017, doanh thu từ bán tivi của Asanzo đạt 4.200 tỷ đồng, vượt trội so với các lĩnh vực kinh doanh khác là điện lạnh 270 tỷ đồng và điện gia dụng 150 tỷ đồng. Năm 2018, Asanzo tiếp tục công bố số liệu doanh thu vượt ngưỡng 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 35%.

 Kết quả kinh doanh (tự công bố) của Asanzo

Đáng chú ý, 70% sản phẩm Asanzo được bán tại thị trường nông thôn, nơi tập trung khoảng 70% dân số Việt Nam. Doanh số bán tivi cập nhật đạt gần 1 triệu chiếc một năm, với sản phẩm chủ lực là smart TV kích thước từ 32 – 40 inch.

Doanh nghiệp của Shark Tam nhấn mạnh chiến lược "bình dân hóa công nghệ" giúp nông dân có thể tiếp cận internet, Asanzo quảng bá rằng đã lựa chọn những công nghệ mới vào sản phẩm nhưng không tính phí để hạ giá thành.

Tivi Asanzo được người tiêu dùng vùng nông thôn ưa thích bởi giá "mềm" hơn so với các thương hiệu còn lại. Ví dụ, cùng dòng smart TV 32 inch trên thị trường, Asanzo có giá khoảng 4,5 – 4,8 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó các thương hiệu ngoại khác như LG, Samsung hay Sony… giá bán từ 5,7 – 8 triệu đồng. Sản phẩm cùng phân khúc nhưng giá lại rẻ hơn 1,2 triệu đồng sẽ khiến Asanzo đánh bật các đối thủ khác.

 Asanzo luôn gắn mác "thương hiệu Việt Nam" và "công nghệ Nhật Bản" vào các sản phẩm

Hơn nữa, Asanzo luôn gắn mác "thương hiệu Việt Nam" và "công nghệ Nhật Bản" vào các sản phẩm, khiến người tiêu dùng tin cậy hơn. Rõ ràng, giá mềm, công nghệ sản xuất hiện đại nằm trong một sản phẩm có giá bình dân... đã giúp Asanzo bán hàng "đắt như tôm tươi".

Mới đây (6/4), tại một buổi tri ân khách hàng ở Đà Nẵng, ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo cho hay, trong năm 2019, Asanzo sẽ tập trung đẩy mạnh sản xuất và phân phối các mặt hàng điện lạnh ra thị trường và xem đây là một trong những mặt hàng chủ lực của tập đoàn. Trong đó riêng dòng sản phẩm máy điều hòa, Asanzo đặt mục tiêu bán 300.000 chiếc, chiếm 15% thị phần cả nước.

Toàn bộ sản phẩm điện lạnh của Asanzo được sản xuất trên dây chuyền công nghệ Nhật Bản hiện đại cùng hệ thống máy nén, linh kiện bằng đồng 100% chất lượng Nhật Bản hứa hẹn sẽ công phá thị trường Việt trong năm 2019. Ông Tam cũng cho biết: “Để đảm bảo nguồn cung sản phẩm trong năm nay, cuối năm 2018 Asanzo đã nâng công suất sản xuất các sản phẩm điện lạnh ở cả 3 nhà máy tại Long An, TPHCM và Hải Dương lên mức tối đa".

Mới đây, liên quan đến lô hàng linh kiện lò nướng thủy tinh bị Cục Hải quan TP.HCM kiểm tra tháng ngày 7/9/2018, CEO Tam khẳng định Asanzo đã ngừng sản xuất các mặt hàng này từ khoảng tháng 6/2018.

Ông Phạm Văn Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.

Thảo Nguyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang