Chế độ ăn muối dưới mức tiêu chuẩn có thể gây tử vong cho bệnh nhân suy tim

author 07:14 21/03/2023

(VietQ.vn) - Theo khuyến cáo của FDA, những người có chế độ ăn ít hơn 2,5 gram muối mỗi ngày có nguy cơ tử vong cao hơn 80%.

Đối với những người bị suy tim, việc hạn chế lượng natri trong chế độ ăn uống dưới mức tiêu chuẩn là 2,3 gram mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ tử vong, theo phát hiện từ 9 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng diễn ra từ năm 2008 đến năm 2022 được trình bày tại Phiên khoa học hàng năm của Đại học Tim mạch Mỹ cùng với Đại hội Tim mạch Thế giới.

Suy tim, trong đó cơ tim trở nên quá yếu hoặc cứng để bơm máu hiệu quả, là tình trạng mạn tính ảnh hưởng đến hơn 6 triệu người trưởng thành ở Mỹ.

Trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã phân tích 9 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đánh giá các mức độ hạn chế natri khác nhau đối với những người bị suy tim, bao gồm dữ liệu về tỷ lệ tử vong và nhập viện. Hầu hết nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian 2008-2022. Các thử nghiệm này đã thu nhận tổng cộng gần 3.500 bệnh nhân suy tim.

Việc hạn chế lượng natri trong chế độ ăn uống dưới mức tiêu chuẩn là 2,3 gram mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ tử vong. Ảnh minh họa 

Phân tích kết quả trên tất cả nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra những bệnh nhân theo chế độ ăn kiêng với lượng natri dưới 2,5 gram mỗi ngày có nguy cơ tử vong cao hơn 80% so với những người theo chế độ bổ sung trên 2,5 gram natri mỗi ngày.

Tiến sĩ Anirudh Palicherla, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Hạn chế natri vẫn là cách giúp kiểm soát bệnh suy tim, nhưng mức độ hạn chế vẫn còn gây tranh cãi. Nghiên cứu này cho thấy nên tập trung vào việc thiết lập mức tiêu thụ natri an toàn thay vì hạn chế natri quá mức”.

Hiện tại, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, nhiều hơn cả bệnh lý ung thư, dù là ở các nước đã hay đang phát triển. Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Y tế mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong. Đặc biệt tần suất mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa do những thói quen thiếu lành mạnh trong sinh hoạt hàng ngày. 

Nguyên nhân thường gặp của bệnh lý tim mạch ở tuổi trưởng thành và trung niên: Hút thuốc, béo phì, ít vận động, căng thẳng (stress), chế độ ăn nhiều muối, chất béo, rượu bia, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường...Bên cạnh đó, béo phì ở trẻ em đã trở thành vấn đề toàn cầu, cứ 10 trẻ lại có một trẻ bị béo phì. Béo phì lại dẫn đến những yếu tố nguy cơ tim mạch khác như tăng cholesterol, đái tháo đường, tăng huyết áp, và hội chứng chuyển hoá. Nếu chúng ta không kiểm soát các yếu tố nguy cơ này sớm thì các bệnh lý tim mạch sẽ xảy ra sớm ở người trẻ. Ngoài ra nhóm bệnh tim bẩm sinh không được phát hiện và điều trị sớm trong những năm đầu sau sinh cũng chiếm tỉ lệ bệnh lý tim mạch không nhỏ ở người trẻ.

Các chuyên gia khuyên mọi người nên hạn chế lượng natri bằng cách ăn trái cây, rau quả tươi, tránh thực phẩm chế biến sẵn và đóng hộp.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang