Chính phủ chỉ đạo xử lý doanh nghiệp, dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương

author 11:10 05/11/2021

(VietQ.vn) - 12 dự án của ngành công thương thua lỗ hàng chục nghìn tỉ, đến nay đã thống nhất phương án xử lý.

Ngày 4/11/2021 vừa qua, Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Ban Chỉ đạo) đã họp thống nhất một số nội dung liên quan đến xử lý các dự án. Theo Ban Chỉ đạo, triển khai Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Bộ Công Thương đã xác định 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương, xây dựng Đề án xử lý báo cáo cấp thẩm quyền.

Theo đó, Bộ Chính trị đã có kết luận tại Thông báo 43-TB/VPTW ngày 19/6/2017, trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017 phê duyệt Đề án xử lý các tồn tại yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Đề án 1468).

 Dự án DAP-1 Hải Phòng thuộc Tập đoàn Hóa chất cơ bản khắc phục các tồn tại yếu kém, sản xuất kinh doanh có lãi từ năm 2017 đến nay.

Sau hơn 3 năm triển khai, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (sau khi thành lập, nhận bàn giao từ Bộ Công Thương) cùng các bộ, ngành chỉ đạo và triển khai quyết liệt, tập trung tháo gỡ các vấn đề khó khăn, vướng mắc về pháp luật, cơ chế chính sách tài chính, tín dụng, thị trường… thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước.

Đồng thời yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty chủ động và chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để triển khai quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp, cắt giảm chi phí để cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng phương án cơ cấu lại từng dự án, doanh nghiệp theo các mục tiêu, quan điểm đề ra tại Đề án 1468.

Đến nay, đã có 1 doanh nghiệp dự án DAP-1 Hải Phòng thuộc Tập đoàn Hóa chất cơ bản khắc phục các tồn tại yếu kém, sản xuất kinh doanh có lãi từ năm 2017.

Có 4 dự án, doanh nghiệp khác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (gồm: Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ) cơ bản không còn vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước.

Trên cơ sở cam kết và đề xuất của hai tập đoàn và của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, tại phiên họp Ban Chỉ đạo ngày 04/11, Ban Chỉ đạo thống nhất giao Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, theo thẩm quyền, sử dụng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để chủ động khẩn trương hoàn thiện và triển khai phương án xử lý đối với 5 dự án, doanh nghiệp nêu trên, trên nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo cơ chế thị trường và quy định của pháp luật, bảo đảm hạn chế tối đa tổn thất về vốn, tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp, phù hợp với quan điểm chỉ đạo tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29/9/2017. Hội đồng thành viên các tập đoàn chịu trách nhiệm toàn diện về việc xử lý các dự án, doanh nghiệp này.

Giao Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc thực hiện nhiệm vụ nêu trên.

Trong đó tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể với lộ trình phù hợp để xử lý 5 dự án, doanh nghiệp; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp cập nhật tình hình, tiến độ xử lý các dự án, doanh nghiệp theo kế hoạch, báo cáo cấp có thẩm quyền khi được yêu cầu.

Đối với 7 dự án, doanh nghiệp còn lại, Ban Chỉ đạo giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các tập đoàn, tổng công ty chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện, triển khai phương án xử lý theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; đề xuất Ban Chỉ đạo để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các vướng mắc về cơ chế, chính sách vượt thẩm quyền; quyết tâm hoàn thành xử lý các dự án, doanh nghiệp còn lại trong thời gian sớm nhất.

Theo ghi nhận, thời điểm cuối tháng 10/2020, Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về Kết quả thực hiện các nghị quyết về quản lý, sử dụng vốn tài sản Nhà nước. Báo cáo cho biết, 12 dự án của ngành Công thương đã phải phê duyệt điều chỉnh vốn đầu tư tăng gần 46% so với dự toán ban đầu, từ 43.673,63 tỷ đồng lên 63.610 tỷ đồng.

Trong đó, vốn chủ sở hữu là 14.350 tỷ đồng (chiếm 22,56%), vốn vay 47.451 tỷ đồng (chiếm 74,6%), còn lại 2,84% từ các nguồn khác. Các dự án này vay ngân hàng trong nước 41.801 tỷ đồng, vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ 6.617 tỷ đồng.

Theo số liệu ước tính tại thời điểm 6 tháng đầu năm 2020, tình hình tài chính của 12 dự án/doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương như sau: Vốn chủ sở hữu âm 7.264 tỷ đồng; Tổng tài sản đạt 59.152 tỷ đồng; Tổng nợ phải trả 63.308 tỷ đồng; Lỗ lũy kế tổng cộng 26.360 tỷ đồng.

Qua đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo, các Bộ, ngành, doanh nghiệp, các ngân hàng đề cao trách nhiệm, tiếp tục nỗ lực, tích cực, quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ xử lý 12 dự án, phấn đấu hoàn thành xử lý trong năm 2020. "Nếu phải chậm hơn, không kéo dài quá nửa đầu năm 2021 trên nguyên tắc đề cao tự chủ của doanh nghiệp, xử lý theo nguyên tắc, cơ chế thị trường, nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án, quan tâm toàn diện, bảo đảm lợi ích cao nhất của Nhà nước, quyền của người lao động", Báo cáo nêu rõ.

Đồng thời, theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong số 12 dự án, từ năm 2018 - 2019 có 2 dự án, doanh nghiệp có lãi nhưng vẫn còn lỗ lũy kế (DAP-1 Hải Phòng, Thép Việt Trung), tuy nhiên đến hết quý 1/2020, 2 dự án, doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh lỗ. Có 4 dự án từng bước khắc phục khó khăn, giảm lỗ (Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-2 Lào Cai, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất DQS). 01 dự án, doanh nghiệp dừng hoạt động nay đã vận hành trở lại (Xơ sợi Polyester Đình Vũ PVTex); 2 dự án đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng chưa khởi động do điều kiện thị trường khó khăn (Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước).

Trong số các dự án này, đã hòa giải xử lý được tranh chấp Hợp đồng EPC đối với dự án PVTex; rà soát pháp lý, đàm phán thành công việc sửa đổi bổ sung các căn cứ pháp lý (hợp đồng liên doanh, điều lệ liên doanh) bảo đảm quyền lợi hợp pháp đối với nhà máy Thép Việt Trung.

Công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án đã được thực hiện khẩn trương. Đến nay, các dự án đều đã được tiến hành thanh tra các cấp (12/12 dự án), kiểm toán (7/12 dự án), điều tra và khởi tố (4/12 dự án), để làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Diệu Hương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang