Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua phương pháp cải tiến liên tục Kaizen

author 06:27 04/11/2021

(VietQ.vn) - Một trong những chiến lược được nhiều doanh nghiệp thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh là thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen. Triết lý Kaizen dựa trên quan điểm là cách sống của chúng ta luôn đòi hỏi một số cải tiến nhất định. Do đó, cách tốt nhất để ứng phó với sự gia tăng cạnh tranh toàn cầu này là doanh nghiệp tiến hành các hoạt động cải tiến liên tục với mục tiêu giảm thiểu lãng phí.

Nhu cầu cải tiến hiệu quả doanh nghiệp 

Khi nền kinh tế thế giới đang hướng tới thị trường toàn cầu, doanh nghiệp không thể tránh khỏi tác động của toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa khiến các quyết định hoặc hành động kinh doanh tại một khu vực có tác động đáng kể ở các khu vực khác trên thế giới. Khi thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ với nhau hơn, đặc biệt với sự tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đã tạo ra mức độ cạnh tranh mới giữa doanh nghiệp trong cùng ngành. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành công nghiệp không thể bỏ qua nhu cầu cải tiến hiệu quả hoạt động về chất lượng, chi phí và giao hàng (QCD).

Để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh thành công, họ cần giảm chi phí, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu suất giao hàng. Dựa trên nhiều nghiên cứu đã thực hiện, một trong những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp ngành công nghiệp phải đối mặt là mức năng suất thấp.

Do đó, các doanh nghiệp có thể thực hành cải tiến liên tục Kaizen giúp giảm chi phí, đồng thời tăng chất lượng và hiệu suất giao hàng. Mục đích của việc thực hiện Kaizen là cải tiến chi phí, chất lượng, tính linh hoạt.

Thông qua thực hành Kaizen, doanh nghiệp tập trung vào ba lĩnh vực cải tiến là Muda (lãng phí), Mura (bất hợp lý) và Muri (quá tải) (Imai, 1986). Các công cụ được sử dụng để thực hiện Kaizen, còn được gọi là chiếc ô Kaizen, là Kiểm soát chất lượng toàn diện (TQC), Bảo trì năng suất tổng thể (TPM), Cải tiến chất lượng, Tự động hóa, Không sai lỗi (ZD), Kanban, Vừa đúng lúc (JIT)), Nhóm Kiểm soát Chất lượng (QCC) và Hệ thống khuyến nghị (Imai, 1986).

Cạnh tranh khốc liệt trên phạm vi toàn cầu là một trong nhiều thách thức mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Do đó, các doanh nghiệp ngành công nghiệp cần phải làm gì đó để đảm bảo rằng họ vẫn có khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Một trong những chiến lược được nhiều doanh nghiệp thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh là thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen. Triết lý Kaizen dựa trên quan điểm là cách sống của chúng ta luôn đòi hỏi một số cải tiến nhất định. Do đó, cách tốt nhất để ứng phó với sự gia tăng cạnh tranh toàn cầu này là doanh nghiệp tiến hành các hoạt động cải tiến liên tục với mục tiêu giảm thiểu lãng phí.

Hiệu quả từ phương pháp cải tiến liên tục Kaizen

Các doanh nghiệp công nghiệp những năm qua đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn do đại dịch Covid, doanh nghiệp ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nguồn nguyên liệu khó khăn... Đây là lúc doanh nghiệp càng cần phải tập trung giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương ra quyết định về việc đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ mới năm 2020 thực hiện dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp”. Quyết định đã mở ra cơ hội lớn hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển doanh nghiệp ngành công nghiệp.

Nhiệm vụ đào tạo, hướng dẫn thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp là nhiệm vụ thuộc dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp do Viện Năng suất Việt Nam là bên nhận đặt hàng thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, thực hiện hoạt động cải tiến năng suất chất lượng, từng bước xây dựng và duy trì văn hóa cải tiến liên tục cho doanh nghiệp ngành công nghiệp. 15 doanh nghiệp điểm thuộc ngành công nghiệp đã được Viện Năng suất Việt Nam lựa chọn để triển khai áp dụng, thực hiện thành công các yêu cầu và mục tiêu của nhiệm vụ đề ra.

Cho đến này, bộ tài liệu đào tạo về cải tiến liên tục Kaizen đã được soạn thảo, hàng trăm lượt người từ 40 doanh nghiệp ngành công nghiệp đã được đào tạo theo hình thức lý thuyết kết hợp với thực hành tại doanh nghiệp; 15 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp được tư vấn hướng dẫn thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen tại hiện trường sản xuất. Viện Năng suất Việt Nam đã soạn thảo và xuất bản 01 ấn phẩm về áp dụng thực hành cải tiến liên tục Kaizen; xây dựng 05 báo cáo điển hình về thành công trong thực hành phương pháp cải tiến liên tục theo Kaizen và xây dựng cơ sở dữ liệu mạng lưới chuyên gia cải tiến liên tục trong cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng chuyên gia...

An Hạ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang