Chống hàng giả trên sàn thương mại điện tử: Cần siết chặt chế tài xử lý
Palo Alto Networks cảnh báo công cụ AI đang dùng đầy rẫy mã độc
Phân Bón Cà Mau khẳng định cam kết thúc đẩy nông nghiệp bền vững
Trường Tiểu học Tích Sơn: Nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển tính sáng tạo của học sinh
Hàng giả, hàng nhái đang là vấn nạn gây nhức nhối đối với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hàng giả có thể khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính phải “điêu đứng”, bị thiệt hại nghiêm trọng. Thậm chí có doanh nghiệp phải “kêu cứu” bởi hàng loạt sản phẩm giả thương hiệu của hãng được bày bán công khai trên sàn thương mại điện tử khiến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề. Đồng thời, hàng giả cũng tác động xấu đến quyền lợi, thậm chí là sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Trước đó, năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 72.031 vụ, phát hiện, xử lý 52.390 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Từ ngày 15/12/2023 đến 25/4/2024, lực lượng Quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 17.584 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách gần 200 tỷ đồng.
Đặc biệt, với sự phát triển của thương mại điện tử, hàng giả, hàng nhái càng có thêm “chỗ đứng”. Thời gian gần đây, hình thức livestream bán hàng trực tuyến đang trở nên sôi động, thu hút nhiều người tham gia, trở thành kênh phân phối, bán hàng hiệu quả, tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra thách thức cho các nhà quản lý trong việc kiểm soát hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng.
Thương mại điện tử là xu hướng tiêu dùng được nhiều người lựa chọn.
Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến đang là một trong những xu hướng tất yếu và trở thành phương tiện quan trọng trong chiến lược tiếp thị và bán hàng của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các tiểu thương, doanh nghiệp tiếp cận, mở rộng thị trường, nhất là với doanh nghiệp khởi nghiệp.
"Với kênh livestream bán hàng trực tuyến, các chủ thể OCOP và nông dân không chỉ bán mà còn kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhất là những cảm xúc, niềm tự hào về sản phẩm của địa phương mình. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng công khai trên thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng mạng xã hội, phương tiện livestream... gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa đến xã hội, niềm tin của người tiêu dùng", ông Chí cho biết.
Chị Bùi Hằng Trang, nhân viên văn phòng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu nông sản Nam Bình cho hay: "Tôi thấy rằng nhiều người bán hàng quảng cáo quá lên so với thực tế, thậm chí còn rao bán với kiểu nhập nhèm câu chữ, tên gọi khiến khách hàng dễ bị hiểu lầm".
Theo chị Trang, đây chính là nơi tiêu thụ một lượng lớn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin, nhiều người tiêu dùng dù biết là hàng giả nhưng vẫn chuộng tên tuổi, thương hiệu món hàng đó vì giá rẻ. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến nạn hàng giả trên sàn thương mại điện tử để ngăn chặn.
Để hạn chế rủi ro, ông Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, khi mua trực tuyến, người tiêu dùng nên xem đánh giá của người tiêu dùng trước hoặc đánh giá về doanh nghiệp đó, mức độ uy tín của doanh nhập đó trên thị trường thay vì mua được món hàng giảm giá không ưng ý.
Có thể thấy, chống vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn còn là cuộc chiến lâu dài, cần đến sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội cùng nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong hoàn thiện chính sách, đặc biệt là siết chặt chế tài xử lý vi phạm để bảo vệ cái quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Thanh Hiền (t/h)