Chủ động công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2021

author 07:11 29/12/2021

(VietQ.vn) - Với việc Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 1,84% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, có thể nói công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát đã hoàn thành mục tiêu đề ra.

Chủ động công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2021. Ảnh minh họa. 

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, có rất nhiều thách thức trong công tác quản lý giá cả thị trường, khi Chính phủ đặt ra nhiệm vụ về công tác quản lý, điều hành giá phải bảo đảm hướng đến mục tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Tính đến thời điểm hiện nay, với việc CPI bình quân 11 tháng năm 2021 tăng 1,84% - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, có thể nói công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát đã hoàn thành mục tiêu đề ra.

Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, năm 2021, trong điều kiện hết sức ngặt nghèo, mặt bằng giá cả vẫn được kiểm soát để không có biến động đột biến về giá, nhất là đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu ngay cả lúc khó khăn nhất khi dịch bệnh ở cao điểm, khả năng đứt giảm nguồn cung.

Qua đó, công tác quản lý, điều hành giá đã làm tốt vai trò giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu đề ra và tiếp tục ở mức thấp, tạo động lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Đây là năm thứ 6 liên tiếp kiểm soát lạm phát thành công.

Đóng góp vào kết quả này, không thể không nhắc đến sự nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá. Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ hồ sơ xây dựng Luật Giá (sửa đổi) với nhiều chính sách sẽ được đổi mới.

Theo đó, Luật Giá sẽ được sửa đổi theo hướng tăng cường phân công, phân cấp và cá thể hóa trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành giá, cần phân định rõ trách nhiệm quản lý, giám sát về giá giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, giữa Bộ Tài chính với các bộ và địa phương;

Hoàn thiện các chính sách bảo đảm xử lý hài hòa mối quan hệ giữa thị trường với quản lý, điều tiết của Nhà nước về giá; tôn trọng quy luật cung - cầu, bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Hoàn thiện chính sách về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bình ổn giá theo hướng phân cấp cho Chính phủ, vừa bảo đảm chặt chẽ, vừa linh hoạt, phù hợp với thực tế quản lý, điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng thời kỳ. Đặc biệt, chính sách về bình ổn giá cần khắc phục những hạn chế hiện nay, tạo công cụ pháp lý đầy đủ, hiệu quả cho công tác kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và phục vụ công tác quản lý, điều hành giá.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang