Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân: Doanh nghiệp Việt sẽ ‘cất cánh’ trong năm 2022

author 06:46 02/02/2022

(VietQ.vn) - “Hiện chưa thể khẳng định dịch bệnh có còn tiếp diễn phức tạp hay không, nhưng nếu biến thể Omicron là dấu hiệu cho sự chấm dứt của Covid-19, chắc chắn doanh nghiệp Việt sẽ “cất cánh” ngay trong năm 2022 để giải tỏa cơn khát kéo dài suốt 2 năm qua”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam (VINASME), Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn).

Ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. 

Biến nguy thành cơ

Đại dịch Covid-19 bùng phát trong năm 2021 khiến nền kinh tế thế giới chao đảo, trong đó có cả Việt Nam. Ông đánh giá gì về những khó khăn, thử thách mà doanh nghiệp Việt gặp phải trong năm qua?

Năm 2021, nước ta trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ kinh tế - chính trị đến văn hóa - xã hội và yếu tố trung tâm lại một lần nữa là đại dịch Covid-19. Dịch Covid-19 nói chung và đợt bùng phát lần thứ 4 nói riêng có thể được ví như “trận đại hồng thủy” đối với cộng đồng doanh nghiệp trên cả thế giới lẫn Việt Nam.

Có những lúc nó chặn đứng hoàn toàn sự vận động của mọi tài nguyên trong các doanh nghiệp, cụ thể là người lao động phải nghỉ làm, thậm chí tử vong do dịch bệnh, máy móc phải ngưng trệ và nguyên vật liệu tắc nghẽn hoặc tồn kho do không thể sản xuất… Các yếu tố mang tính vận hành này cùng với sự bế tắc về tài chính, khả năng thích ứng, đổi mới sáng tạo và sự chịu đựng của chủ doanh nghiệp đã khiến hàng loạt doanh nghiệp bị “chết yểu” trước giai đoạn phục hồi.

Tổng kết năm 2021 vừa qua, có thể nói phần lớn doanh nghiệp rời bỏ thị trường là do yếu tố chủ quan, bên cạnh đó cũng có rất nhiều doanh nghiệp tồn tại và nắm bắt được cơ hội của thị trường để thành lập mới và phá triển. Tuy nhiên, một khó khăn khác mà chúng ta nhìn nhận thấy đó là tính kết nối giữa Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương với doanh nghiệp còn hạn chế. Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, nhưng các đối tượng này đâu đó vẫn khó tiếp cận với sự hỗ trợ của nhà nước.

Đại dịch khiến doanh nghiệp đối mặt với vô vàn nỗi lo, từ việc giữ chân nhân sự, giữ vững thị trường, duy trì sản xuất, tiền lương, gồng lỗ vì chi phí tăng cao… Theo ông, khả năng vươn lên của doanh nghiệp trong tương lai như thế nào?

“Trong cái rủi lại có cái may” và “trong thách thức lại có cơ hội”. Sau hơn hai tháng thực hiện Nghị quyết 128/ NQ-CP của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội dần được khôi phục, từng bước tạo sự khởi sắc rõ nét của “bức tranh về doanh nghiệp” trong những tháng cuối năm 2021.

Tháng 11/2021 là tháng có số lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường cao nhất kể từ tháng 4/2021 (khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở nước ta). Bước sang tháng 12/2021, tình hình doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng vẫn cho thấy sự phục hồi tích cực (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020). Trong đó, TP.HCM, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh thời gian qua đã có sự phục hồi ấn tượng.

Những con số nêu trên cho thấy khả năng chống chịu và phục hồi của doanh nghiệp Việt Nam không quá yếu như chúng ta vẫn nghĩ. Họ chủ động thích ứng, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh và tìm tòi ý tưởng đột phá theo xu hướng của thế giới để vận hành, hoạt động. Hiện tôi chưa thể khẳng định dịch bệnh có còn tiếp diễn phức tạp hay không, nhưng nếu biến thể Omicron là dấu hiệu cho sự chấm dứt của Covid-19 chắc chắn doanh nghiệp Việt Nam sẽ “cất cánh” ngay trong năm 2022 để giải tỏa cơn khát kéo dài suốt 2 năm vừa qua.

 Nhiều doanh nghiệp đã bứt phá, vượt qua đại dịch trong năm 2021.

Nhiều doanh nghiệp biến nguy thành cơ, vận dụng tư duy sáng tạo để khai phá thị trường mới, hướng tới phát triển bền vững. Bài học này cần được nhân rộng ra sao, thưa ông?

Nhiều chủ doanh nghiệp cho đến nay vẫn tư duy theo cách “nếu không làm tốt ở trong nước thì không thể vươn ra nước ngoài”. Đây là cách nghĩ hoàn toàn sai bởi lẽ có những thứ mà các nước cần ở ta và có những thứ ta cần ở bạn. Tôi lấy ví dụ, Hiệp định EVFTA tạo điều kiện cho việc giao thương giữa 2 bên được dễ dàng và thuận lợi hơn thông qua cơ chế như giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy trình và yêu cầu kiểm định.

Điều này có nghĩa phía EU đang có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của ta như nông sản, dệt may, giày dép, đồ điện tử… với giá cả ưu đãi; và ngược lại phía Việt Nam cũng đang có nhu cầu nhập khẩu máy móc, linh kiện, phụ tùng ô tô, mỹ phẩm… từ các nước EU. Do vậy, tôi đánh giá rất cao các doanh nghiệp đã nhìn nhận ra vấn đề và bắt đầu tìm hiểu, mở rộng chuỗi giá trị qua các thị trư ờng mới trong th ời gian qua.

Tôi khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng nên có phương án mở rộng sản xuất - kinh doanh theo hướng này, vì khi các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt đi ra nước ngoài thì giá trị của các món hàng đó sẽ tăng lên đáng kể. Đây là kinh nghiệm của cá nhân tôi và thực tế đang chứng minh xu thế toàn cầu hóa là xu thế tất yếu của thời đại.

Thời cơ, vận hội mới

Càng tiến gần hơn với kỷ nguyên số, tiêu chí đặt ra với doanh nghiệp càng trở nên khắt khe hơn. Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để vừa cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thời đại vừa phải thay đổi để không bị thụt lùi?

Các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu nói về sự phát triển của CMCN 5.0, nhưng ở nước ta số lượng doanh nghiệp am hiểu về 4.0 còn rất ít. Đây chính là sự tụt lùi và lạc hậu. Tuy nhiên, Việt Nam không phải quốc gia duy nhất đi sau mà hơn 100 quốc gia khác cũng vậy. Vì thế, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua các quốc gia này về công nghệ số hay rộng hơn là kinh tế số nếu thực sự tập trung đầu tư có hiệu quả.

Ở góc độ điều hành, sản xuất, xu thế tinh giản lao động và kết nối từ xa đối với các ngành nghề có tính ứng dụng khoa học công nghệ cao đang ngày càng phổ biến. Đây là giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng đầu tư lớn, vì tính hiệu quả của đổi mới khoa học công nghệ phải dựa trên cơ sở mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ và sự tiếp nhận của thị trường.

Các đối tượng ứng dụng khoa học công nghệ vào điều hành, sản xuất chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và lớn. Do vậy, để xác định có nên đầu tư vào khoa học công nghệ trong điều hành, sản xuất hay không thì ngư ời làm chủ cần xác định đầu ra một cách chính xác. Tôi không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ một cách “mù quáng”, nhưng đây thực sự là một giải pháp hữu hiệu.

Một năm mới đã đến, với vai trò lãnh đạo tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, ông kỳ vọng gì về những thời cơ, vận hội trong năm Nhâm Dần?

Năm nay tôi đặt kỳ vọng rất lớn vào khả năng dịch Covid-19 sẽ chấm dứt sau biến thể Omicron. Đối với Việt Nam thì th ời cơ và vận hội luôn là món quà hiện hữu bởi 4 yếu tố sau đây: (1) con người Việt Nam chung sống hòa bình, hạnh phúc với các nước trên thế giới; (2) môi trư ờng sống, làm việc tại Việt Nam ổn định, an toàn; (3) định hướng phát đất nước mạch lạc, xuyên suốt; (4) vị trí địa lý, địa chính trị của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trư ờng quốc tế.

Với 4 yếu tố trên, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục vươn lên trở thành quốc gia số 1 Đông Nam Á, đóng vai trò là “cửa ngõ” giữa các nước đối tác với khu vực, thể hiện vai trò đại diện cho cộng đồng ASEAN trên các diễn đàn Quốc tế và là một điểm đến hấp dẫn, đáng tin cậy đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tú Anh (thực hiện)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang