Áp dụng tiêu chuẩn trong sản xuất, kinh doanh, tạo tiền đề phát triển doanh nghiệp

author 06:38 31/01/2022

(VietQ.vn) - Đại dịch khiến các chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp gánh chịu những tổn thất nặng nề. Việc áp dụng tiêu chuẩn trong sản xuất, kinh doanh trở thành “bệ đỡ” quan trọng giúp doanh nghiệp sớm lấy lại cân bằng và tạo tiền đề phát triển.

Chia sẻ về vai trò, lợi ích của tiêu chuẩn cũng như hoạt động truy xuất nguồn gốc đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho hay, hoạt động truy xuất nguồn gốc những năm gần đây được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và ngày càng có xu hướng trở thành yêu cầu bắt buộc đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu vào các nước.

Đó cũng chính là nhu cầu cấp bách mà doanh nghiệp Việt Nam cần hành động để chứng minh sản phẩm của chúng ta xuất khẩu ra nước ngoài có thể đáp ứng yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc mà các nước nhập khẩu đặt ra.

Chính vì vậy, thời gian qua, bên cạnh yêu cầu về chất lượng sản phẩm hàng hóa, chứng minh được lịch sử và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã trở thành yêu cầu bắt buộc ở các nước trên thế giới và tại Việt Nam. Nhận thức được vấn đề này, những năm qua, Tổng cục TCĐLCL đã tham mưu Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ ban hành Quyết định 100/QĐ-TTg về Đề án thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Linh, một trong những điểm chính của Đề án là phải tạo được hạ tầng về mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc, cách thức truy xuất nguồn gốc mang cấp quốc gia, giúp sản phẩm hàng hóa Việt Nam đạt được sự thống nhất theo các tiêu chuẩn của quốc gia, đạt chuẩn mực quốc tế, từ đó dễ dàng được thừa nhận ở trong nước cũng như chấp nhận trên thế giới.

Vì vậy, năm 2021, Tổng cục TCĐLCL đã nỗ lực xây dựng Cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia, mục tiêu đến cuối năm 2022 này, chúng ta sẽ hoàn thành Cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia.

“Đây là cổng thông tin chứa đựng yêu cầu chuẩn mực theo chuẩn quốc tế, giúp hàng hóa Việt Nam có thể kết nối với Cổng quốc gia được quốc tế thừa nhận. Để làm được điều đó, chúng ta cần thúc đẩy tiêu chuẩn Việt Nam được thừa nhận, chấp nhận theo chuẩn quốc tế”, ông Linh cho biết.

Hiện nay, đang có khoảng 23 tiêu chuẩn liên quan đến truy xuất nguồn gốc, Tổng cục đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng khoảng 30 tiêu chuẩn quốc gia liên quan đến truy xuất nguồn gốc để phục vụ cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Truy xuất nguồn gốc không chỉ một mình Tổng cục hay ngành TCĐLCL làm được, mà cần sự vào cuộc của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Tổng cục cũng rất chú trọng hỗ trợ các tỉnh, thành phố triển khai Đề án 100, cho đến nay đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các đơn vị.

 Hà My

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot