Chuyên gia khuyến cáo không nên mua thuốc COVID-19 ‘xách tay’, tránh tiền mất tật mang

author 06:38 22/12/2021

(VietQ.vn) - Trên thị trường hiện nay xuất hiện hàng loạt các loại thuốc được quảng cáo là phòng, điều trị COVID-19 được rao bán trôi nổi với mức giá khác nhau, khiến người dân hoang mang.

Loạn giá thuốc điều trị Covid-19 trên thị trường

Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện tình trạng người dân tự mua thuốc phòng và điều trị COVID-19. Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, nhân viên nhiều cửa hàng thuốc đã rao bán các mặt hàng "xách tay" từ Nga, Trung Quốc… với lời quảng cáo có khả năng phòng chống lây nhiễm và điều trị COVID-19.

Nhận thấy nhu cầu lớn của người dân, nhiều người bán hàng ''xách tay'' đã nhập thuốc Areplivir từ Nga về và rao bán rộng rãi cho người tiêu dùng ngay sau khi thuốc này được Nga cho phép sử dụng điều trị COVID-19, dù giá của loại thuốc này không hề rẻ. 

Trên các trang mạng xã hội, "chợ thuốc" liên tục quảng cáo sản phẩm chữa COVID-19 xách tay 

Ngoài Areplivir, còn có 3 loại thuốc điều trị và dự phòng COVID-19 có xuất xứ từ Nga. Đó là thuốc Arbidol nhưng có màu khác nhau, trong đó, hộp màu xanh dành cho người muốn phòng bệnh và trẻ em có giá 380.000 đồng/hộp/10 viên. Màu đỏ dành cho các F0, F1, F2 có giá 480.000 đồng/hộp/10 viên. Còn màu xanh đậm dành cho người bị F0 nặng có giá 4,2 triệu đồng/hộp/40 viên. Arbidol là thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị bệnh cảm cúm ở Nga và Trung Quốc, tuy nhiên chưa được cấp phép ở Việt Nam.

Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, gần đây, thị trường thuốc xuất hiện nhiều mặt hàng “xách tay” từ Ấn Độ, Nga, Trung Quốc… được quảng cáo có khả năng dự phòng và điều trị COVID-19. Điều đáng nói, một số cửa hàng thuốc, một số tài khoản trên mạng xã hội lại rao bán thuốc với giá khác nhau, từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/hộp, như Favipivavir 400mg, thuốc kháng virus Molnupiravir 400mg được rao bán với giá vài triệu đồng/hộp. Để sử dụng đủ một liệu trình theo hướng dẫn của những người bán thuốc trên mạng xã hội, mỗi gia đình có thể phải bỏ hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, điều đáng nói, chất lượng các loại thuốc này lại chưa thể kiểm chứng.

Chuyên gia khuyến cáo người dân không nên tin vào những lời quảng cáo

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng, với các thuốc điều trị COVID-19 phải có sự theo dõi của bác sĩ để được chỉ định đúng lúc, đúng chỗ. Rõ ràng, nếu nước ta có nguồn cung cấp đầy đủ thì đã cung cấp cho các bệnh viện, khi đó, các bác sĩ chỉ định sẽ phù hợp và đúng hơn. Còn người dân tự ý mua, tích trữ, nếu không biết cách dùng, dùng sai thời điểm có khi còn nguy hại tới tính mạng. Nếu cần thiết, người dân liên hệ với các cơ sở y tế để có sự hỗ trợ kịp thời.

Cũng theo bác sĩ Trần Tuấn Dũng - Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, người dân không nên săn lùng các loại thuốc điều trị Covid-19 dẫn đến tiền mất tật mang. Mỗi người có một cơ địa, bệnh lý mức độ khác nhau, do đó, người dân cần có sự chỉ định về liều lượng của bác sĩ. Với các ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) hoặc ca bệnh nhẹ ở người có bệnh mạn tính, người cao tuổi cần được điều trị ở buồng bệnh hồi sức tích cực. Ca bệnh nặng, nguy kịch (suy hô hấp nặng, ARDS, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan) cần được hồi sức tích cực.

“Dịch COVID-19 không chỉ điều trị bằng thuốc là khỏi. Một số ca nặng cần can thiệp như lọc máu, đặt nội khí quản, thở máy, trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO)… Điều trị không chỉ là dùng thuốc mà cần phải nghỉ ngơi, vệ sinh mũi họng, uống đủ nước, dinh dưỡng, vận động hợp lý, tinh thần lạc quan. Do đó, để phòng chống dịch bệnh, người dân cần tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, tiêm vaccine đầy đủ” - bác sĩ Dũng khuyến cáo.

Theo hướng dẫn tạm thời Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, hiện có 7 nhóm thuốc: Thuốc hạ sốt, giảm đau; thuốc cân bằng điện giải; thuốc hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng; thuốc sát khuẩn hầu họng; thuốc kháng virus; thuốc chống viêm corticosteroid; thuốc chống đông máu.

Mới đây, Bộ Y tế ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19. Tại quyết định, Bộ Y tế nêu rõ, nguyên tắc điều trị đối với thuốc kháng virus là:

Đối với thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới, phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

Đối với thuốc đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh.

Tại quyết định mới nhất này, Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số nội dung về chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và chú ý đối với 3 loại thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 là: Favipiravir 200mg, Remdesivir và Molnupiravir.

Như vậy, thuốc Arbidol màu đỏ 200mg - hàng xách tay Nga như người bán quảng cáo - chưa được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, nhưng vẫn bán mua không kiểm soát, dẫn đến tình trạng loạn giá và gây hoang mang cho người dân.

Trước tình trạng mua bán thuốc điều trị COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định, việc mua, bán, sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.

Trước đó, Cục Quản lý Dược đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo các thuốc dùng trong phòng, chống COVID-19.

Bảo Linh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang