Cơ hội phát triển ngành logistics Việt Nam

author 10:32 19/07/2021

(VietQ.vn) - Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, cơ hội phát triển logistics còn rất lớn vì Việt Nam là đất nước có tiềm năng sản xuất, xuất khẩu, tạo ra nguồn hàng; đồng thời có vị trí thuận lợi nằm ở trung tâm của các tuyến giao thương…

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, từ đầu năm đến nay, chi phí logistics không ngừng leo thang. Trong khi chi phí logistics là yếu tố cấu thành quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, khiến các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực như dệt may, đồ gỗ, chế biến nông thủy sản... cho biết, chi phí logistics có sự gia tăng mạnh từ năm 2020 tới nay, chủ yếu liên quan đến cước vận tải và tình trạng thiếu container.

Có thể thấy, chi phí logistics tăng cao thời gian qua khiến hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu của nhiều ngành hàng trong nước bị ảnh hưởng. Mặc dù phải chịu tăng chi phí cho hoạt động này, nhưng nhiều đơn hàng của doanh nghiệp vẫn bị ảnh hưởng do chậm trễ, bị phạt hợp đồng. Nhiều doanh nghiệp phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi do những lô hàng bị ách tắc tại các cảng biển. Rất nhiều đơn hàng của doanh nghiệp bị hủy, chậm giao hàng, chậm thanh toán và không ký tiếp được đơn hàng mới dẫn đến chồng chất khó khăn.

Cơ hội phát triển ngành logistics ở Việt Nam rất lớn. Ảnh minh họa. 

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ quý IV/2020 đến nay, tác động của dịch Covid-19 gây nên tình trạng ùn tắc tại cảng, đặc biệt tại khu vực châu Âu và Bắc Mỹ. Do vậy, các chuyến tàu bị hạn chế, khả năng luân chuyển cũng hạn chế. Điều này gây ra tình trạng khan hiếm chỗ trên tàu cũng như khan hiếm về phương tiện, đẩy giá cước vận chuyển lên cao.

Đối với hoạt động logistics trong nước, từ tháng 3/2021 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập 1 đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các hãng tàu về vấn đề giá cước tàu biển cũng như container. Về chi phí liên quan đến vận tải đường bộ, các vấn đề phát sinh trong thời gian vừa qua cũng như tại thời điểm này, đặc biệt là tại các tỉnh khu vực phía Nam, Bộ Công Thương đã làm việc với UBND các tỉnh, các bộ liên quan như Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, qua đó kiến nghị tạo “luồng xanh đặc biệt” cho lưu thông hàng hóa.

“Điều này nhằm tránh ùn tắc cũng như đưa ra các biện pháp quá mức cần thiết gây ảnh hưởng, đẩy chi phí lên cao. Trên thực tế, các biện pháp chống dịch phải áp dụng nghiêm, tuy nhiên ở mức xét thấy cần thiết và tạo ra sự linh hoạt đảm bảo cho mục tiêu kép”, ông Hải nêu rõ.

Các chuyên gia chỉ ra, yếu tố cơ bản làm tăng chi phí logistics tại Việt Nam là hạ tầng logistics chưa được đầu tư đồng bộ. Cụ thể, vẫn còn thiếu vắng các kho vận tập trung, cảng cạn (ICD) có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng sông, cảng biển, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất…

Ông Hải cho rằng, cơ hội phát triển logistics còn rất lớn vì Việt Nam là đất nước có tiềm năng sản xuất, xuất khẩu lớn, tạo ra nguồn hàng; có vị trí thuận lợi nằm ở trung tâm các tuyến giao thương, có thể kết nối giống như Singapore hay Hong Kong, không cần xuất khẩu nhưng trở thành tâm điểm để trung chuyển hàng hóa. “Việt Nam cũng có thể làm được như vậy nếu có chính sách tốt. Dù cơ hội rất lớn, song việc có tận dụng được hay không còn phải phụ thuộc vào doanh nghiệp, con người, phải làm chuyên nghiệp mới có thể tận dụng được”, ông Hải nêu quan điểm.

Hà Nội: Đảm bảo hàng hóa thiết yếu, người dân không phải lo lắng mua hàng tích trữ(VietQ.vn) - Hà Nội bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân, vì vậy, người dân không phải lo lắng mua hàng tích trữ.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang