Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam trong vấn đề năng suất lao động

author 06:06 12/02/2023

(VietQ.vn) - Trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức sẽ tìm được các giải pháp tối ưu để thúc đẩy tăng năng suất lao động (NSLĐ), tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Trong  Báo cáo "Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020: Thực trạng và giải pháp", Tống cục Thống kê nêu rõ, những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong việc tăng năng suất lao động (NSLĐ), nhờ đó NSLĐ của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, cả về giá trị và tốc độ. Trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức sẽ tìm được các giải pháp tối ưu để thúc đẩy tăng NSLĐ, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Điểm mạnh

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2011- 2020 được duy trì và cải thiện với tốc độ tăng bình quân hằng năm đạt 6,21%. Trong khi đó, tốc độ tăng bình quân hằng năm của lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên giai đoạn 2011-2020 thấp 0,83%, điều này đã khiến cho NSLĐ tăng với tốc độ khá nhanh.

Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, đặc biệt là lao động trẻ trong độ tuổi từ 15-39 tuổi luôn chiếm tỷ lệ trên 51% tổng số lực lượng lao động cả nước. Cùng với sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lao động cũng chuyển dịch khá mạnh mẽ từ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, mặc dù tỷ lệ này so với các nước trong khu vực vẫn tương đối cao.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, sáng tạo của Đảng, nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Cụ thể hóa quan điểm đó, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng phân bổ nguồn lực lớn cho ngành Giáo dục, quan tâm và cải thiện chất lượng lao động nước ta thông qua đào tạo, quá trình hội nhập, đô thị hóa, thực hiện cách mạng Công nghiệp 4.0... Chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo chiếm tỷ lệ tương đối cao (gần 15%) trong chi cân đối ngân sách Nhà nước và tăng dần qua các năm. Do đó, tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo trong giai đoạn 2011-2020 cũng tăng từ 15,6% năm 2011 lên 24,1% năm 2020.

Dân tộc Việt Nam nói chung, người lao động Việt Nam nói riêng luôn chịu khó, siêng năng, khéo léo, sáng tạo, đồng lòng vươn lên vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”, luôn tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Có như vậy mới biến trí lực và thời gian thành kiến thức, học vấn, của cải vật chất, giá trị tinh thần. Một dân tộc chăm chỉ sản xuất thì dân tộc đó mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Điểm yếu

Việt Nam đã thoát khỏi nhóm quốc gia có thu nhập thấp và đang trải qua thách thức vượt qua bẫy trung bình thấp. Tuy nhiên, phát triển kinh tế vẫn còn mang tính thuần nông, thị trường chưa phát triển bền vững.

Số lượng doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng số doanh nghiệp (khoảng 97%). Đây là nhóm dễ bị tổn thương trong nền kinh tế khi gặp các tác động từ các nhân tố bên ngoài hay biến động của thị trường do chất lượng về vốn thấp, thiếu tính bền vững, hạn chế về năng lực quản lý, nền tảng công nghệ kỹ thuật không cao.

Trong giai đoạn 2011-2020, tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tuy có giảm qua các năm nhưng nhìn chung vẫn cao so với các nước trong khu vực. Sản xuất nông nghiệp ở nước ta vẫn theo lề lối từ xưa, quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thiếu trình độ về khoa học công nghệ, tác phong làm việc chưa chuyên nghiệp, sản xuất nhỏ và còn mang nặng văn hóa tiểu nông.

Chất lượng lao động vẫn còn thấp, chủ yếu là lao động nông nghiệp, nông thôn, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Nguồn cung lao động ở Việt Nam hiện nay luôn xảy ra tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao, lao động một số ngành dịch vụ (ngân hàng, tài chính, thông tin viễn thông, du lịch…) và công nghiệp mới. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp, kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh thấp. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo, không có chuyên môn kỹ thuật năm 2020 chiếm đến 75,9%. Nền sản xuất chưa lớn, chưa hiện đại. Khoa học công nghệ áp dụng trong sản xuất còn hạn chế.

 Ảnh minh hoạ

Cơ hội

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến nhất định trong quá trình cải thiện NSLĐ, nâng cao năng lực và giá trị nội tại của nền kinh tế. Tuy nhiên, khoảng cách tuyệt đối về NSLĐ giữa Việt Nam và các nước trong khu vực châu Á còn lớn. Trong bối cảnh NSLĐ còn thấp, các động lực trước đây để duy trì mức tăng năng suất dần cạn kiệt và thiếu hiệu quả, kinh tế số sẽ là một động lực mới cho cải thiện NSLĐ trong giai đoạn tới.

Cụ thể, kinh tế số thúc đẩy NSLĐ ở khu vực công nghiệp chế tạo, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ: Sự lan toả của công nghệ số đã kéo theo sự gắn kết ngày càng chặt chẽ của các nền kinh tế thông qua thương mại quốc tế. Sản xuất công nghiệp ngày càng có tính tích hợp cao, dẫn đến hình thành chuỗi giá trị sản phẩm công nghiệp ở cấp độ toàn cầu;

Kinh tế số tạo diện mạo mới cho NSLĐ ngành Nông nghiệp. Điều này rất quan trọng bởi nông nghiệp là ngành kinh tế trụ cột của Việt Nam, ngoài những đóng góp vào GDP, còn có vai trò trọng yếu trong bảo đảm an ninh lượng thực, an sinh xã hội và mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế. Thực tế cho thấy, công nghệ số đã và đang thâm nhập sâu rộng vào lĩnh vực nông nghiệp. Nông nghiệp công nghệ cao đã được triển khai ở nhiều địa phương như mô hình trồng rau và hoa tại Đà Lạt, mô hình nông nghiệp công nghệ cao tích hợp tại Thành phố Hồ Chí Minh, khu nhân giống cây lâm nghiệp và trồng rau quả, chăn nuôi, thuỷ sản tại Thành phố Hà Nội.

Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu âu (EVFTA)…, đây chính là đòn bẩy giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế lớn thế giới. Với vị trí thuận lợi về địa kinh tế, địa chính trị, tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động, thông qua các hiệp định thương mại tự do này hứa hẹn mang lại cơ hội hợp tác về vốn, về mô hình, phương thức quản lý mới, hiện đại và hiệu quả hơn cho doanh
nghiệp Việt Nam.

Việt Nam thuộc nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, như vậy còn nhiều dư địa để vươn lên. Việc tham gia vào thị trường lao động thế giới và khu vực giúp cho Việt Nam có điều kiện tiếp nhận các dòng kỹ thuật - công nghệ tiên tiến, hiện đại từ các nước phát triển để nâng cao trình độ kỹ thuật - công nghệ của mình. Qua đó tăng cơ hội việc làm, nâng dần trình độ công nghệ sản xuất, trình độ quản lý và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gắn với phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam những năm gần đây. Nguồn vốn FDI có tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Việt Nam, là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, góp phần xây dựng môi trường kinh tế năng động và gia tăng năng lực sản xuất các sản phẩm chứa hàm lượng chất xám cao trong nền
kinh tế.

FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị hàng nông sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo việc làm cho người lao động, hoàn thiện nhanh kỹ năng, tác phong và trình độ lao động Việt Nam, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua hệ thống đào tạo nội bộ trong doanh nghiệp hoặc liên kết với các cơ sở đào tạo ngoài doanh nghiệp. Ngoài ra, nguồn vốn FDI còn góp phần nâng cao trình độ công nghệ, là kênh quan trọng giúp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn cả về kinh tế - xã hội với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Thách thức

Khi tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN, WTO, các hiệp ước thương mại quốc tế, Việt Nam phải tuân theo những quy định ràng buộc nghiêm ngặt, điều này sẽ tạo những khó khăn cho Việt Nam nếu không đủ trình độ để đáp ứng.

Lực lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, trong khi chất lượng lao động trong nước còn thấp, năng lực cạnh tranh yếu so với lao động quốc tế, lực lượng lao động nước ta chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ trọng cao, số lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề cao còn thiếu.

Việt Nam là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, sự phát triển còn thiếu tính bền vững nên sẽ bị ảnh hưởng tác động từ quốc tế và môi trường bên ngoài như xung đột chính trị, biến đổi môi trường, thiên tai, dịch bệnh, điển hình như đại dịch Covid-19 xuất hiện ở Việt Nam từ đầu năm 2020 đã tác động mạnh tới nền kinh tế, khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam rơi xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Xu hướng toàn cầu hóa, đòi hỏi của cách mạng Công nghiệp 4.0 với một số công nghệ nền tảng như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud computing), dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain), in 3D, robotic, …là những thứ vẫn còn rất mới mẻ đối với đa số doanh nghiệp Việt Nam.

Tóm lại, việc xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với NSLĐ của Việt Nam sẽ làm tiền đề xây dựng các giải pháp tăng NSLĐ dựa trên 4 yếu tố đó, cụ thể: (1) Giải pháp SO: Theo đuổi những cơ hội phù hợp điểm mạnh; (2) Giải pháp WO: Vượt qua điểm yếu để tận dụng tốt cơ hội; (3) Giải pháp ST: Xác định cách sử dụng lợi thế, điểm mạnh để giảm thiểu rủi ro do môi trường bên ngoài gây ra; (4) Giải pháp WT: Thiết lập kế hoạch “phòng thủ” để tránh cho những điểm yếu bị tác động nặng nề hơn từ môi trường bên ngoài.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang