Thực trạng năng suất lao động của hai vùng kinh tế trọng điểm nước ta

author 06:47 11/02/2023

(VietQ.vn) - Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc bộ và vùng KTTĐ phía Nam là hai vùng dẫn đầu cả nước về mức độ đạt được của năng suất lao động (NSLĐ), theo Tổng cục Thống kê.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

Vùng KTTĐ Bắc bộ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học - công nghệ của cả nước, nơi tập trung các cơ quan Trung ương, các trung tâm điều hành của nhiều tổ chức kinh tế lớn, cơ sở đào tạo, nghiên cứu và triển khai khoa học - công nghệ của quốc gia.

 
Vùng kinh tế trọng điểm là vùng hội tụ tốt nhất các điều kiện để phát triển, có khả năng tạo lợi thế cạnh tranh, làm đầu tàu tăng trưởng để đẩy mạnh quá trình phát triển cho vùng và tiến tới đảm nhận vai trò chi phối tăng trưởng đối với nền kinh tế cả nước.
 

Trong giai đoạn 2011-2020, NSLĐ của các vùng KTTĐ luôn ở mức cao, có xu hướng tăng và có sự chênh lệch lớn so với mức NSLĐ chung cả nước. Tăng NSLĐ của vùng KTTĐ Bắc bộ đóng góp lớn vào tăng NSLĐ chung của toàn nền kinh tế và cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Theo giá hiện hành, NSLĐ của vùng KTTĐ Bắc bộ năm 2011 mới chỉ đạt 98,1 triệu đồng/lao động thì đến năm 2015 đạt 144,6 triệu đồng/ lao động và năm 2020 đạt 233,2 triệu đồng/lao động, cao hơn 83,1 triệu đồng/lao động so với NSLĐ chung của cả nước. 

NSLĐ theo từng khu vực kinh tế của vùng KTTĐ Bắc Bộ có sự khác biệt rõ rệt. NSLĐ khu vực công nghiệp và xây dựng của cả nước và vùng KTTĐ phía Nam luôn cao nhất trong ba khu vực thì đối với vùng KTTĐ Bắc Bộ, NSLĐ khu vực dịch vụ là cao nhất. NSLĐ ở khu vực này năm 2011 mới đạt 128,8 triệu đồng/lao động thì đến năm 2015 tăng lên 167,5 triệu đồng/lao động và năm 2019 con số này là 221,3 triệu đồng/lao động, gần gấp đôi năm 2011 và cao hơn 52,3 triệu đồng/lao động so với NSLĐ khu vực dịch vụ cả nước.

Thực trạng năng suất lao động của hai vùng kinh tế trọng điểm nước ta

 Thủ đô Hà Nội có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của vùng.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, NSLĐ khu vực dịch vụ của vùng đạt 238,8 triệu đồng/lao động, cao hơn 65,1 triệu đồng/lao động so với NSLĐ khu vực dịch vụ của cả nước. NSLĐ khu vực công nghiệp và xây dựng của vùng tuy không cao bằng khu vực dịch vụ nhưng cao hơn NSLĐ khu vực công nghiệp và xây dựng của cả nước và có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây.

NSLĐ khu vực công nghiệp và xây dựng của vùng năm 2011 đạt 101,8 triệu đồng/lao động, thấp hơn 11,7 triệu đồng/lao động so với NSLĐ khu vực công nghiệp và xây dựng cả nước, đến năm 2015 đạt 168,2 triệu đồng/lao động, cao hơn 22,9 triệu đồng/lao động và năm 2020 đạt 235,1 triệu đồng/lao động, cao hơn 56,1 triệu đồng/lao động. NSLĐ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản khá tương đồng với NSLĐ chung của cả nước, thấp nhất trong 3 khu vực.

Năm 2011, NSLĐ của khu vực này đạt 20,9 triệu đồng/lao động, thấp hơn 2,6 triệu đồng/ lao động so với NSLĐ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của cả nước; năm 2015 đạt 26 triệu đồng/lao động, thấp hơn 6,5 triệu đồng/lao động và năm 2020 đạt 61,1 triệu đồng/lao động, cao hơn 3,7 triệu đồng/lao động. Là vùng tập trung nhiều lao động, khu công nghiệp, có lợi thế tự nhiên và địa chính trị, kinh tế của vùng phát triển nhanh, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế đất nước. NSLĐ của vùng đã tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây với tốc độ tăng khá cao.

Theo giá so sánh, sau 5 năm (từ năm 2011 đến 2015), NSLĐ của vùng đã tăng 34,5% và sau 10 năm (từ năm 2011 đến năm 2020) tăng tới 96,8%. Bình quân giai đoạn 2011-2015, NSLĐ chung của vùng tăng 6,1%/ năm và giai đoạn 2016-2020 tăng 7,9%/năm; tính chung giai đoạn 2011-2020, NSLĐ tăng bình quân 7%/năm, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tốc độ tăng cao nhất đạt 9,6%/năm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,9%/năm; khu vực dịch vụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chỉ tăng 0,3%/năm.

Đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của vùng KTTĐ Bắc Bộ phải kể đến Hà Nội, là hạt nhân, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của vùng. NSLĐ của Hà Nội tăng từ 124 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 174 triệu đồng/lao động năm 2015 và đến năm 2020 đạt 251,7 triệu đồng/lao động, cao hơn 18,5 triệu đồng/lao động so với NSLĐ vùng KTTĐ Bắc Bộ và cao hơn 101,6 triệu đồng/lao động so với NSLĐ chung của cả nước.

Khu vực dịch vụ của Hà Nội luôn có NSLĐ cao nhất và cao hơn mức NSLĐ khu vực dịch vụ của cả nước và NSLĐ khu vực dịch vụ của vùng KTTĐ Bắc bộ: Năm 2011, NSLĐ khu vực dịch vụ của Hà Nội đạt 170,8 triệu đồng/lao động, cao hơn 80,6 triệu đồng/ lao động so với NSLĐ khu vực dịch vụ của cả nước và cao hơn 42 triệu đồng/lao động so với NSLĐ khu vực dịch vụ của vùng KTTĐ Bắc Bộ; năm 2015 đạt 211,8 triệu đồng/lao động, cao hơn 88,3 triệu đồng/lao động và cao hơn 44,2 triệu đồng lao động; năm 2020 đạt 285,4 triệu đồng/lao động, cao hơn 111,7 triệu đồng/lao động và cao hơn 46,6 triệu đồng/lao động. NSLĐ theo giá so sánh của Hà Nội năm 2020 tăng 32,6% so với năm 2015 và tăng 68,4% so với năm 2010. Tuy nhiên, mức tăng NSLĐ của Hà Nội vẫn thấp hơn mức tăng chung của cả vùng KTTĐ Bắc Bộ, chỉ đạt 4,9%/năm trong giai đoạn 2011-2015; đạt 5,8%/năm giai đoạn 2016-2020 và tính chung giai đoạn 2011-2020 đạt 5,4%/năm.

Vùng KTTĐ phía Nam

Vùng KTTĐ phía Nam có vị trí địa kinh tế độc đáo, nằm trên các trục giao thông quan trọng của cả nước, quốc tế và khu vực, có nhiều cửa ngõ vào - ra thuận lợi, cả về đường sông, đường sắt, đường biển, đường hàng không. Vùng có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tập trung đủ điều kiện và lợi thế phát triển các ngành mũi nhọn, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước.

Theo giá hiện hành, NSLĐ của cả vùng năm 2011 đạt 138,7 triệu đồng/lao động đến năm 2015 đạt 172,6 triệu đồng/lao động và lên đến 236,6 triệu đồng/ lao động vào năm 2020, cao hơn 3,4 triệu đồng/lao động so với NSLĐ của vùng KTTĐ Bắc Bộ và cao hơn 86,5 triệu đồng/lao động so với NSLĐ của cả nước.

Thực trạng năng suất lao động của hai vùng kinh tế trọng điểm nước ta

 Vùng KTTĐ phía Nam luôn có NSLĐ cao nhất ở nhiều ngành.

Xét theo khu vực kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng của vùng KTTĐ phía Nam luôn có NSLĐ cao nhất, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của vùng và dẫn dắt các khu vực khác phát triển. Năm 2011, NSLĐ khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 203,9 triệu đồng/lao động, cao hơn 90,4 triệu đồng/lao động so với NSLĐ khu vực công nghiệp và xây dựng của cả nước và cao hơn 102,1 triệu đồng/ lao động so với NSLĐ khu vực tương ứng của vùng KTTĐ Bắc Bộ; năm 2015 đạt 204,3 triệu đồng/lao động, cao hơn 59 triệu đồng/lao động và cao hơn 36,1 triệu đồng/lao động và đến năm 2020 đạt 229,1 triệu đồng/lao động, cao hơn 50,1 triệu đồng/lao động và thấp hơn 5,9 triệu đồng/lao động.

NSLĐ khu vực dịch vụ của vùng tuy cao hơn so với NSLĐ khu vực dịch vụ của cả nước nhưng thấp hơn khu vực này của vùng KTTĐ Bắc Bộ. NSLĐ khu vực dịch vụ tăng từ 118,1 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 160,2 triệu đồng/lao động năm 2015 và lên 227,2 triệu đồng năm 2020.

Cũng như cả nước và các vùng kinh tế khác, NSLĐ khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của vùng luôn ở mức thấp nhất nhưng cao hơn so với cả nước và vùng KTTĐ Bắc Bộ. Năm 2011, đạt 42,4 triệu đồng/lao động, cao hơn 18,9 triệu đồng/lao động so với NSLĐ khu vực NLTS của cả nước và cao hơn 21,5 triệu đồng/lao động so với vùng KTTĐ Bắc Bộ; năm 2015 đạt 59,5 triệu đồng/lao động, cao hơn 27 triệu đồng/lao động và cao hơn 33,6 triệu đồng/lao động và năm 2020 đạt 112,5 triệu đồng/lao động, cao hơn 55,1 triệu đồng/lao động và cao hơn 51,5 triệu đồng/lao động.

Đóng góp lớn vào tăng NSLĐ của vùng KTTĐ phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh - địa phương đầu tàu về phát triển kinh tế. NSLĐ của Thành phố Hồ Chí Minh tăng từ 161,5 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 212,9 triệu đồng/lao động năm 2015 và lên 298,8 triệu đồng/lao động năm 2020. Theo giá so sánh, NSLĐ của cả vùng năm 2020 tăng 22% so với năm 2015 và tăng 47,2% so với năm 2010. Bình quân giai đoạn 2011- 2015, NSLĐ tăng 3,8%/năm, thấp hơn mức tăng 4,1%/năm của giai đoạn 2016-2020. Tính chung giai đoạn 2011-2020, NSLĐ của cả vùng tăng 3,9%/năm. Trong đó, tăng trưởng NSLĐ của Thành phố Hồ Chí Minh cao hơn mức tăng bình quân chung của cả vùng KTTĐ phía Nam, thể hiện rõ vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế vùng, từ đó có thể thúc đầy tăng NSLĐ của cả vùng. NSLĐ của Thành phố Hồ Chí Minh tăng từ bình quân 4%/năm trong giai đoạn 2011-2015 lên 5,1%/năm giai đoạn 2016- 2020, tính chung cả giai đoạn 2011-2020 tăng 4,5%/năm.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang