Cơ quan báo chí trong cuộc đua tin tức với mạng xã hội

author 06:00 28/06/2022

(VietQ.vn) - Nhà báo Đỗ Thiện cho rằng, các cơ quan báo chí bảo thủ nhất, chậm chạp nhất cũng đã phải vào "cuộc chơi" phát triển sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội.

Báo chí trong cuộc đua với mạng xã hội

Phát biểu tại Hội thảo khoa học "Phát triển nội dung báo chí cho các nền tảng mạng xã hội" vừa diễn ra, ông Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhận định, báo chí hiện nay đang ngày càng có nhiều thay đổi để thích ứng với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra sôi nổi.

"Phát triển nội dung báo chí trên các nền tảng mạng xã hội là một xu thế. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều vấn đề thách thức, cần có nhiều giải pháp để phát triển một cách bền vững", ông Lê Hoàng Dũng nhấn mạnh.

Tham luận từ nhà báo Trần Việt Hưng (Tổng thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên điện tử) và Đặng Sinh (biên tập viên Báo Thanh Niên) nêu số liệu thống kê cho thấy trong năm 2022, thế giới sẽ dành ra 12.500 tỉ giờ để sử dụng internet, trong đó hơn 4.000 tỉ giờ sử dụng mạng xã hội. Do đó, chắc chắn rằng mạng xã hội vẫn đóng một vai trò trung tâm trong cuộc sống hằng ngày.

Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam hiện có khoảng 78 triệu lượt người sử dụng mạng xã hội. Ước tính, thời gian sử dụng mạng xã hội của mỗi người Việt Nam vào khoảng 2 giờ 34 phút mỗi ngày (chiếm 36,4% tổng thời gian trung bình sử dụng internet). Như vậy, mỗi người Việt Nam mỗi tháng trung bình dành 77 giờ để sử dụng mạng xã hội, và mỗi năm trung bình là hơn 936 giờ (tương đương 39 ngày).

Đi cùng với đó là những thay đổi trong thói quen tiếp cận tin tức. Từ vị trí gần như độc quyền về thông tin, báo chí đã bị các mạng xã hội chia sẻ thị phần nhanh chóng. Điều này ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của các cơ quan báo chí, đặc biệt là những nguồn thu từ quảng cáo. Những thúc bách từ yêu cầu của kinh tế báo chí khiến các tờ báo phải tìm cách đổi mới để tiếp cận công chúng trên các nền tảng mới để đa dạng hóa doanh thu. Một trong những xu thế được nhiều tờ báo chọn lựa hiện nay là hợp tác với các mạng xã hội để phân phối thông tin.

Nhà báo Đỗ Thiện (Trưởng ban Truyền hình - Đa nền tảng Báo Pháp luật TP.HCM) nhận định rằng báo chí đa nền tảng hiện tại đã là xu thế không thể đảo ngược. Đến năm 2020, Báo Pháp luật TP.HCM mới bắt đầu thực hiện đa nền tảng nằm trong chiến lược chuyển đổi số. Nhà báo Đỗ Thiện cho rằng “Các cơ quan báo chí bảo thủ nhất, chậm chạp nhất cũng đã phải vào "cuộc chơi" phát triển sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội”.

Nhà báo Đặng Sinh (báo Thanh Niên) trình bày mô hình phân phối thông tin đa nền tảng. Ảnh: báo Thanh Niên

Cơ hội và thách thức

Tại hội thảo, tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, Trưởng bộ môn Truyền thông (Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn) nêu ra 2 câu hỏi lớn. Đầu tiên là việc lao động của nhà báo sẽ thay đổi như thế nào trong bối cảnh báo chí tham gia truyền thông xã hội; liệu của những giá trị đã định khung của nhà báo có bị mất đi hay không? Câu hỏi thứ hai là việc chất lượng tin tức liệu sẽ đối mặt với những nguy cơ gì khi truyền thông trên mạng xã hội luôn thúc bách nhà báo phải chạy đua để đưa tin nhanh nhất có thể.

Tiến sĩ Huỳnh Văn Thông nêu thực trạng hiện nay không ít tòa soạn đang khích lệ phóng viên viết các bài báo ngắn hơn để xuất bản lên mạng xã hội, chạy đua với tốc độ đưa tin kiểu 24/7 vì lý do đơn giản là mạng xã hội thức 24/7. Do vậy, các nhà báo phải thường xuyên chịu áp lực bắt kịp tốc độ phát tán tin tức trên mạng xã hội, phải đối mặt với vài ba mốc thời hạn trong mỗi ngày làm việc, phải theo đuổi để cập nhật diễn biến của bản tin suốt cả 24 giờ. Ông cho rằng thực tế đó chắc chắn là mối lo ngại lớn về nguy cơ giảm chất lượng của tin tức báo chí. Thậm chí, ông còn cảnh báo đó có thể là một hành động “tự hủy” của báo chí.

Theo tiến sĩ Huỳnh Văn Thông, việc tận dụng truyền thông xã hội để làm báo vừa mang đến cơ hội vừa là thách thức đối với các quy trình kiểm chứng truyền thống mà các nhà báo lâu nay hay áp dụng. Khả năng truy cập nhanh vào các nguồn tin trực tuyến, tiếp cận nhanh các nội dung chứng cứ đã giúp nhà báo dễ dàng xác minh nhiều bản tin, nhưng việc sản xuất các bản tin và hiệu ứng lan truyền trên truyền thông xã hội đã khiến tin tức không còn giữ được giá trị tiêu chuẩn của nó.

Mô hình phân phối thông tin đa nền tảng

Hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến tham luận từ các nhà báo, chuyên gia xoay quanh chủ đề phát triển báo chí cho nền tảng mạng xã hội. Trong đó, nổi bật là tham luận của nhà báo Huỳnh Sang về việc phát triển podcast tại các cơ quan báo chí hiện nay.

Theo nhà báo Huỳnh Sang, trong bối cảnh hiện tại, podcast không còn là một xu hướng, mà đã trở thành một thực tế mà các cơ quan báo chí không thể bỏ qua. Tuy nhiên, hiện nay, báo chí Việt Nam vẫn đang tiếp cận với podcast ở mức độ thử nghiệm.

"Số lượng cơ quan báo chí Việt Nam sản xuất podcast chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gần đây, một số cơ quan báo chí bắt đầu quan tâm đến podcast nhưng cũng chưa bài bản, mà chỉ ở dạng thăm dò là chính" - nhà báo Huỳnh Sang cho biết, đồng thời dự báo "ngành công nghiệp podcast" sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Cũng bàn về vấn đề phát triển nội dung báo chí cho các nền tảng mạng xã hội, nhà báo Đặng Sinh (báo Thanh Niên) trình bày trước hội thảo mô hình phân phối thông tin đa nền tảng của báo Thanh Niên.

"Quan điểm của báo Thanh Niên khi xây dựng chiến lược đa nền tảng là công chúng ở đâu, báo Thanh Niên sẽ có mặt ở đó. Từ quan điểm này, báo Thanh Niên thường xuyên nghiên cứu, cập nhật các xu hướng, những thay đổi của người dùng internet để nhanh chóng tiếp cận những nền tảng mới. Mô hình đa nền tảng của báo dựa trên tiêu chí tạo ra mạng lưới trang, kênh có nội dung chuyên biệt nhằm tạo ra những cộng đồng có cùng một mối quan tâm, nhắm trúng tới nhóm công chúng có mục tiêu cụ thể" - nhà báo Đặng Sinh chia sẻ.

Nhà báo Huỳnh Thị Hoàng Lan (Phó trưởng ban Ca nhạc – Đài truyền hình TP.HCM) cho biết trong giai đoạn giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, công tác sản xuất chương trình (nhất là mảng thể thao và giải trí) gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thời điểm này nhu cầu xem truyền hình của khán giả lại có xu hướng tăng lên do phần lớn thời gian khán giả ở nhà. Trước tình hình đó, một số đài truyền hình đã tận dụng ưu thế của mạng xã hội để sản xuất các chương trình quy mô nhỏ, huy động khán giả cùng sản xuất nội dung, vừa có chương trình để phát sóng, vừa tạo được hiệu ứng xã hội tích cực.

Cụ thể thì các đài truyền hình đã tận dụng các công cụ có sẵn như Google Meet, Microsoft Teams, Zoom, Skype, Facebook Messenger, Zalo... để kết nối với khách mời, phỏng vấn ghi hình online. Theo nhà báo Hoàng Lan, nếu không có mạng xã hội, một số đài truyền hình có lẽ không thể trụ nổi qua mùa dịch. Yếu tố lợi nhuận không còn quá quan trọng mà là uy tín đảm bảo lời hứa với khán giả không để “gãy sóng”.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang