Công nghệ có phải yếu tố cốt lõi để tiến hành chuyển đổi số trong báo chí?

author 07:03 17/04/2022

(VietQ.vn) - Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người, ở tư duy và cần phải xác định “bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó”.

Phát biểu tại diễn đàn "Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn", Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh khẳng định, chuyển đổi số là con đường của cả nước và báo chí cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong bối cảnh kỷ nguyên số với rất nhiều sự thay đổi về công nghệ nói chung, thay đổi công nghệ làm báo, thay đổi hành vi của độc giả, khán thính giả, chúng ta không có cách nào khác là phải tích cực số hoá".

Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Minh, hiện nay, nhiều cơ quan báo chí chưa hiểu rõ về chuyển đổi số khi cho rằng chỉ cần đầu tư thiết bị công nghệ, một số chương trình phần mềm và cho đó là mình đã thực hiện chuyển đổi số. Nhưng vấn đề không phải như vậy.

"Chuyển đổi số không chỉ là vấn đề về công nghệ, mà còn là vấn đề về con người, tư duy. Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, nhưng lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, để chuyển đổi số, các tòa soạn cần đào tạo một đội ngũ nhân lực có khả năng sử dụng thành thạo các công cụ digital cũng như tạo được môi trường để phóng viên phát triển sáng tạo, thực hiện đúng chiến lược mà cơ quan mong muốn.

Chuyển đổi số không chỉ đơn giản là số hoá nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, thậm chí tạo ra văn hoá trong toà soạn cho phù hợp với môi trường chuyển đổi số. Các cơ quan báo chí phải có suy nghĩ hết sức nghiêm túc về vấn đề này, phải đánh giá được nhu cầu của mình, phải xác định được con đường mình muốn đi, xác định mục tiêu hướng tới, từ đó lựa chọn công nghệ phù hợp.

Ảnh minh hoạ

Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số trong đơn vị, ông Đinh Đắc Vĩnh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách công nghệ thông tin Đài Truyền hình Việt Nam cho biết để có sự thay đổi về tư duy, nhận thức trong chuyển đổi số, VTV đã trải qua quá trình dài và phải mất vài năm mới có được nhận thức vấn đề và lại phải tiếp tục thay đổi theo xu thế chung.

"Chúng tôi xác định, việc thay đổi tư duy trong chuyển đổi số không chỉ ở người lãnh đạo, ở bộ phận nội dung hay kỹ thuật mà tất cả đều cùng phải vào cuộc", ông Đinh Đắc Vĩnh nói.

Tại diễn đàn, một số nhà báo cũng cho rằng, muốn chuyển đổi số thành công cần giải quyết vấn đề bảo vệ bản quyền riêng của các cơ quan báo chí; vai trò quản lý của Nhà nước trong chuyển đổi số với các cơ quan báo chí…

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn cho rằng quá trình chuyển đổi số của báo chí đang chậm hơn xu thế chung. Do đó, muốn chuyển đổi số thì các cơ quan báo chí cần phải thay đổi từ quy trình cung cấp dịch vụ đến con người.

Hiện vẫn còn tình trạng báo chí ngại thay đổi trong xu hướng chuyển đổi số. Khi chuyển đổi số không phải thay đổi quy trình, bộ máy mà thay đổi từ con người, nếu con người không thay đổi thì việc chuyển đổi sẽ không hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong định hướng chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí có 2 mảng việc cần thực hiện ngay. Đó là quản trị nội bộ, các vấn đề về tài chính trong báo chí và vấn đề quản lý, sản xuất và lưu trữ nội dung. Việc này cần một nguồn kinh phí đầu tư rất lớn.

Để giải quyết những khó khăn này cho các cơ quan báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đang có chủ trương xây dựng các nền tảng lớn bảo đảm độc lập chủ quyền trên không gian mạng.

Với vai trò dẫn dắt chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giúp tư vấn, đưa ra các nền tảng dùng chung, xác định về khoảng giá, tránh tình trạng cùng một nền tảng nhưng kinh phí đầu tư lại chênh lệch quá lớn giữa các đơn vị. Với các cơ quan báo chí chủ lực, mỗi cơ quan sẽ xây dụng một nền tảng dùng chung, các cơ quan khác có thể cùng sử dụng và trả phí. Bên cạnh đó, Bộ cũng khuyến khích các báo, đài lớn có đủ nguồn lực tự đầu tư để xây dựng, phát triển nền tảng riêng.

Đối với các cơ quan báo chí vừa và nhỏ, bên cạnh việc kết nối với các nền tảng của các cơ quan báo chí chủ lực, Bộ Thông tin và truyền thông cũng dự kiến đề xuất xây dựng nền tảng riêng cho nhóm này để chủ động vận hành…

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang