Đắk Lắk: Thu giữ hàng trăm sản phẩm giày dép, điện thoại không rõ nguồn gốc, xuất xứ

author 06:37 09/03/2023

(VietQ.vn) - Mua hàng trôi nổi trên thị trường sau đó livestream trên nền tảng mạng xã hội để bán kiếm lời, 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk bị phát hiện và thu giữ toàn bộ hàng hoá vi phạm.

Thời gian gần đây trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, tình hình kinh doanh, mua bán hàng hóa đang ngày càng phát triển mạnh cả về số lượng, chủng loại, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa… gây khó kiểm soát, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Trước tình hình trên, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Tổ công tác về thương mại điện tử khẩn trương, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bằng nghiệp vụ, lực lượng chứng năng đã phát hiện hộ kinh doanh của ông H.C.T có địa chỉ tại phường Tân Tiến, TP.Buôn Ma Thuột đang bày bán hàng trăm sản phẩm giày, dép các loại, trên nhãn hàng hoá không thể hiện rõ nội dung về nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn hoặc bất kỳ chứng từ nào chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá. Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, chủ cơ sở trên khai nhận mua hàng hoá trôi nổi trên thị trường sau đó livestream trên mạng xã hội Facebook để bán kiếm lời.

Đội QLTT số 1 đang tiến hành kiểm đếm số hàng hoá vi phạm về nguồn gốc, xuất xứ.

Trước đó, Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh của ông N.T.H (P.Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột), kết quả kiểm tra cho thấy ông N.T.H đang bày bán hàng hóa là điện thoại di động, trên nhãn không thể hiện rõ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Ông N.T.H không xuất trình được hóa đơn hoặc bất kỳ giấy tờ gì chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. 

Ngoài ra, qua kiểm tra cho thấy 2 cơ sở nêu trên hoạt động dưới hình thức là hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định. Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành lập hồ sơ tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để tiếp tục xử lý theo quy định.

Có thể thấy, theo ghi nhận tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc vẫn phổ biến và diễn biến phức tạp cả về quy mô, lĩnh vực lẫn phương thức sản xuất, tổ chức tiêu thụ và nhập khẩu từ bên ngoài. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trong thời gian qua là do lợi nhuận thu được từ việc sản xuất, buôn bán những mặt hàng này. Trong khi đó, các chủ quyền sở hữu trí tuệ chưa thực sự chú ý đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình chỉ quan tâm đến các quy định về công bố tiêu chuẩn chất lượng, ghi nhãn hàng hóa và quên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp chưa phối hợp với cơ quan chức năng, xem việc xử lý vi phạm là nhiệm vụ của các cơ quan thực thi pháp luật.

Hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại là không hề nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang