Đắp lá thuốc trị bỏng tại nhà, nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu

author 09:07 13/01/2023

(VietQ.vn) - Trung tâm cấp cứu 115, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) đang cấp cứu cho bệnh nhân 14 tuổi nhập viện trong tình trạng đau đớn, phù nề, chảy dịch nước, biến dạng khuôn mặt, da mặt két bẩn lá cây, hai bàn tay và cổ tay nhiều vết phồng rộp, chảy dịch.

Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân bị bỏng nhưng không đến bệnh viện ngay mà đắp lá chữa bỏng ở nhà. Khi mắt bệnh nhân sưng nề không mở được, thấy con đau đớn gia đình mới đưa đến bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ đã tích cực cấp cứu, giảm đau cho bệnh nhân. Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị bỏng nhưng tự điều trị và sử dụng sai thuốc.

 Các bác sỹ đang tích cực điều trị cho bệnh nhân.

Trước đó, Bệnh viện Bỏng Quốc gia cũng tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi T.V.T. (11 tuổi, trú tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) được đưa vào viện trong tình trạng mệt nhiều, da xanh, niêm mạc nhợt, hạn chế vận động vùng cằm, cổ, chi thể.

Nguyên nhân được xác định do bệnh nhi lấy nước lã đổ lẫn xăng, sau đó bật lửa châm giấy đốt thì bị bùng cháy vào quần áo gây bỏng. Sau bỏng, bệnh nhi được gia đình đưa đi đắp thuốc đông y tại một cơ sở tư nhân. Sau 4 tháng điều trị tại đây, gia đình thấy bệnh nhi mệt yếu, da niêm mạc nhợt, vết thương chảy nước tiết dịch mùi hôi mới chuyển đến viện điều trị.

Ghi nhận tại bệnh viện, bệnh nhi bị tổn thương bỏng 25% độ IV vùng cổ, thân trước, thân sau, mô hạt nhợt nhạt, phù nề, nhiều giả mạc, tiết dịch mùi hôi, còn thuốc đông y bám dính, hạn chế vận động vùng cằm, cổ, 2 nách, 2 khuỷu tay. Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã lên kế hoạch điều trị tích cực cho bệnh nhi gồm truyền dịch, máu, huyết tương, albumin, đạm, tăng cường nuôi dưỡng, phẫu thuật cắt mô hạt xấu, ghép da.

Bệnh nhi đã được phẫu thuật 5 lần, cắt mô hạt xấu, ghép da mảnh lưới. Sau điều trị, da ghép bám tốt, bệnh nhi khỏi bệnh sau 38 ngày điều trị và được chuyển Khoa Phục hồi chức năng.

Trước thực trạng trên, BSCKII. ThS Phùng Công Sáng – Phụ trách Đơn vị Bỏng – Phó Trưởng khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, dù đã có nhiều cảnh báo về các biến chứng nặng nề có thể gặp phải khi đắp lá cây theo kinh nghiệm mà chưa được khoa học kiểm chứng để xử lý vết thương, vết bỏng, tuy nhiên vẫn nhiều gia đình tự ý điều trị tại nhà, dẫn đến các hậu quả đáng tiếc xảy ra.

“Đắp lá cây, các loại thuốc điều trị theo kinh nghiệm mà chưa được kiểm chứng và không đảm bảo sạch vết thương, vết bỏng là việc làm rất nguy hiểm, có thể khiến tổn thương nặng thêm, viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không nhiễm trùng thành nhiễm trùng. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra các biến chứng như: viêm mủ màng tim, màng não, viêm mủ màng phổi, áp-xe phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong hoặc để lại di chứng suốt đời cho trẻ…

Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp bệnh nhi nếu được đưa đến bệnh viện kịp thời khi trẻ mới bị bỏng, sơ cứu tốt thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn nhiều và cũng đỡ tốn kém tiền bạc, thời gian của gia đình. Tuy nhiên, do gia đình đưa đến bệnh viện muộn, vùng bỏng bị nhiễm trùng nặng đã hoại tử sâu, việc điều trị phức tạp hơn, có khi còn phải phẫu thuật nhiều lần và để lại di chứng cho trẻ sau này”, bác sĩ Sáng cho hay.

Để phòng tránh tai nạn bỏng hiệu quả và hạn chế rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần lưu ý những điểm sau: Không nên cho trẻ chơi đùa ở nơi đang nấu ăn hoặc các nơi gần nguồn điện, dây dẫn điện, ổ cắm điện… Thức ăn, thức uống nóng, các vật dễ cháy nổ như xăng, dầu, cồn, diêm quẹt… phải để nơi an toàn và tránh xa tầm tay của trẻ. 

Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống như như Lavie, trà C2…, nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra. Không để chung thuốc uống với những thuốc khử khuẩn, dùng ngoài. Khi trông trẻ, người lớn cần có sự giám sát chặt chẽ, thường xuyên.

 An Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang