Dầu gội quảng cáo sai công dụng, người tiêu dùng cần cảnh giác?

author 13:27 18/04/2023

(VietQ.vn) - Theo các chuyên gia y tế, nấm da đầu là một bệnh lý da liễu với nhiều triệu chứng khó chịu và có thể lây cho người khác. Tuy không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Khi bị nấm da đầu, người bệnh sẽ gặp phải những triệu chứng gây khó chịu, làm mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Đó là gàu xuất hiện nhiều ở da đầu, khi nấm gây bệnh tấn công sẽ làm cho da đầu tiết ra nhiều bã nhờn hơn so với bình thường. Tiếp theo là tình trạng da đầu bị ngứa và nổi mụn, việc xuất hiện gàu thường sẽ kéo theo tình trạng ngứa ngáy vô cùng khó chịu ở vùng da đầu. Cho dù, chúng ta có gội đầu sạch sẽ như thế nào cũng không thể cải thiện được.

Người bị nấm da đầu còn xuất hiện tình trạng nổi mụn đỏ, rụng tóc từng mảng, đây là tình trạng tóc rụng không thể kiểm soát được, tạo các mảng hói hình tròn hoặc bầu dục, có đường kính tầm 2 đến 5 cm. Ở một số người còn xuất hiện triệu chứng viêm da lan rộng ở vùng da đầu. Lúc này, việc điều trị để loại bỏ nấm gây bệnh và phục hồi cho nang tóc là biện pháp bắt buộc.

Do đó, chuyên gia cho rằng, nếu không điều trị nấm da đầu triệt để sẽ khiến cho tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.

Ảnh minh họa. 

Nắm bắt được thực trạng trên, nhiều đơn vị kinh doanh đã ra mắt sản phẩm giới thiệu có công dụng như thuốc điều trị bệnh nấm da đầu, viêm da, diệt vi khuẩn... khiến người bệnh lầm tưởng là thuốc điều trị bệnh nên đã chi tiền mua sử dụng mà không hay biết về công dụng thật?

Theo quy định tại Điều 4, Nghị định 181/2013/NĐ-Cp ngày 14/11/2013, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng Cáo:

Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu sau đây: Phiếu Công bố mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược; Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phâm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có). Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Theo quy định tại Điều 21, Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 quy định về quản lý mỹ phẩm:

“Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu chứng minh tính an toàn và hiệu của của mỹ phẩm và phải tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của ASEAN”.

Theo hướng dẫn ASEAN về cách nêu công dụng của mỹ phẩm: “Nguyên tắc chung là sản phẩm mỹ phẩm chỉ được nêu những công dụng có lợi như một mỹ phẩm, chứ không phải là công dụng có lợi về y học hay điều trị”.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP thì Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 thì:

Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang