Đồ chơi dao, kéo nhựa bán rầm rộ tiềm ẩn nguy cơ gây kích thích bạo lực ở trẻ em
Đồng hành cùng ngành thủy sản đẩy mạnh xuất khẩu
Hệ thống cửa hàng Minizon Kids: Đồ chơi trẻ em không gắn dấu hợp quy, chất lượng có đảm bảo?
Món đồ chơi kích thích bạo lực khiến nhiều trẻ em thích thú, phụ huynh lo lắng
Hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều các mặt hàng đồ chơi cho trẻ, được rao bán rầm rộ, với đủ loại mẫu mã, chủng loại và giá thành khác nhau. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm trong số đó không rõ thông tin về nguồn gốc xuất xứ, chất liệu... Đáng lo ngại là có cả những loại đồ chơi bị cấm, hoặc thuộc diện cảnh báo với trẻ nhỏ khi sử dụng.
Mới đây, trên thị trường đồ chơi trẻ em xuất hiện thêm một loại đồ chơi mới khiến nhiều trẻ em thích thú. Với màu sắc rực rỡ, những chiếc dao nhựa với đủ hình thù đang được bán tràn lan tại các cửa hàng đồ chơi cũng như các sàn thương mại điện tử, với giá cả chỉ từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng. Một số loại còn được gắn thêm đèn cũng như in hình nhân vật hoạt hình, người nổi tiếng và có khả năng biến thành nhiều hình dạng khác nhau, dễ dàng thu hút sự chú ý của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ.
Chưa kể với những lời quảng cáo như được làm từ chất liệu an toàn cho trẻ, giảm căng thẳng, giảm giảm stress, càng làm cho món đồ này trở nên gây sốt hơn.
Đồ chơi dao, kéo nhựa bán tràn lan trên chợ mạng, cửa hàng tạp hóa. Ảnh: Internet
Trái lại với tâm lý thích thú của con trẻ, các phụ huynh tỏ ra khá lo ngại khi món đồ chơi này được bày bán tràn lan ngay ngoài cổng trường.
Chị Hoa (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con nhỏ đang học tiểu học chia sẻ: "Mặc dù món đồ chơi 'vô tri' này không sắc hay nhọn, bởi chúng được làm bằng nhựa chứ không phải kim loại, nhưng theo tôi đánh giá thì loại đồ chơi này vẫn tiềm ẩn nguy hiểm.
Cùng quan điểm với chị Hoa, chị Vy (ở Hoài Đức) cũng có con trong độ tuổi tiểu học đã rất bất ngờ khi những món đồ chơi nguy hiểm này được bày bán ở ngay cổng trường. Theo chị, nếu các con giấu bố mẹ mua để chơi, không có sự giám sát của người lớn có thể xảy ra thương tích nếu không may va phải.
Còn chị Nga (quận Hai Bà Trưng) lại lo ngại việc chơi với dao nhựa sẽ khiến trẻ dần quen với các động tác bạo lực, và nếu thiếu kiểm soát, sẽ để lại hệ lụy.
Những loại đồ chơi bạo lực bị cấm lưu hành
Liên quan tới đồ chơi bạo lực, mới đây Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã có khuyến cáo, người tiêu dùng không nên mua đồ chơi nguy hiểm, đồ chơi bạo lực, được bán tràn lan trên mạng xã hội, trong đó có nhiều sản phẩm bị cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam….
Việc sử dụng đồ chơi bạo lực và thực hiện các hành động đâm có thể kích thích xu hướng bạo lực ở trẻ. Chúng có thể gia tăng khả năng trẻ em sử dụng dao thật và thực hiện hành động tương tự.
Ngoài vấn đề có thể gây thương tích cho con trẻ, loại đồ chơi này cũng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, thường được làm từ nhựa kém chất lượng, kim loại pha chì, rất độc hại khi dùng. Các cháu nhỏ thường có thói quen ngậm đồ chơi, nếu sử dụng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến cơ thể con trẻ...
Thực tế là đã có rất nhiều trẻ nhỏ bị dị ứng, thậm chí ngộ độc do dùng đồ chơi làm bằng nhựa. Thế nhưng, rất nhiều phụ huynh vẫn lựa chọn những mặt hàng này phần vì chưa ý thức được sự nguy hiểm của những món đồ chơi này.
Ngoài phục vụ mục đích giải trí, đồ chơi còn có ý nghĩa vô cùng lớn đối với con trẻ. Vậy nên, ngoài việc lựa chọn những loại đồ chơi có chất liệu an toàn thì tính giáo dục của món đồ chơi đó cũng là điều khiến nhiều phụ huynh lưu tâm. Các sản phẩm đồ chơi nguy hiểm, thuộc danh mục đồ chơi bạo lực, đồ chơi vi phạm thuần phong mỹ tục, như súng, dao… sẽ có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, kích thích tính bạo lực trong trẻ. Những thứ tiềm ẩn nguy hiểm đằng sau vỏ vô tri mới là thứ cần triệt để loại trừ.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, có 8 loại sản phẩm bị cấm theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể: các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng như súng nén bằng hơi hoặc bằng lò-xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác; súng bắn nước, hơi nước; súng bắn phát quang hoặc bắn gây tiếng nổ.
Một số loại đồ chơi có hình dáng giống các loại vũ khí khác như giống lựu đạn, bom, mìn, bộc phá; giống kiếm, mác, lê, dao găm, cung nỏ (làm bằng các loại vật liệu kể cả gỗ, tre, giấy nén...). Ngoài ra, còn có các loại pháo như pháo nổ, pháo hoa, pháo đập, đạn đập làm bằng thuốc pháo hoặc bằng các loạt vật liệu khác có thể gây cháy, bỏng.
Sản phẩm bị cấm còn bao gồm các loại đồ chơi ảo, các loại đồ chơi dưới dạng văn hóa phẩm (ấn phẩm, băng, đĩa), các loại đồ chơi điện tử có hình ảnh, âm thanh, hành động mô tả cảnh đánh nhau, giết người dã man hoặc những hành động xúc phạm nhân phẩm, phá hoại môi trường có hại về thẩm mỹ và giáo dục trẻ em. Các phần mềm vi tính, trò chơi điện tử có nội dung kích động bạo lực, mại dâm.
“Các loại đồ chơi dùng điện có điều khiển từ xa có thể gây nhiễu cho các đồ dùng trang thiết bị khác hoặc không bảo đảm an toàn cho trẻ em; các loại đồ chơi có sử dụng quốc kỳ, bản đồ Việt Nam, ảnh lãnh tụ không đúng với quy định, có mục đích xấu, gây ảnh hưởng đến trẻ em”, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết thêm.
Về chế tài đối với hành vi buôn bán các sản phẩm đồ chơi nguy hiểm, sản phẩm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em, buôn bán hàng cấm, theo quyđịnh tại Khoản 2, Điều 30, Nghị định 130/2021/NĐ-CP, các hành vi vi phạm về cung cấp các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thông tin, truyền thông có nội dung ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt cao nhất là 50 triệu đồng.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt cao nhất là 80 triệu đồng và có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung khác.
Đồng thời, theo quy định tại Điều 8 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, người có hành vi buôn bán hàng cấm có thể bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng tùy theo giá trị của hàng cấm đó.
Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân theo Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP. Người có hành vi vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
An Dương (T/h)