Đồng hành cùng ngành thủy sản đẩy mạnh xuất khẩu
Ngày 31/10/2023, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 10/2023 với chủ đề “Đồng hành cùng ngành thuỷ sản đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu”.
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.
Triển vọng phục hồi xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm
Thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng. Thương hiệu thủy sản Việt Nam không chỉ khẳng định trong nước mà còn được đón nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2022 lần đầu tiên cán đích 11 tỷ USD.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, gam tối đã phủ bóng lên bức tranh toàn cảnh xuất khẩu thủy sản Việt Nam, khi kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm do sức cầu tiêu thụ ở các thị trường chính trong tình trạng “lao dốc”. Xuất khẩu thủy sản thời gian qua sụt giảm cũng do chịu nhiều áp lực từ các yếu tố vĩ mô cả trong nước và quốc tế.
Đầu tiên, giá xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đầu năm nay có xu hướng giảm. Sự cạnh tranh về giá thủy sản trên thị trường quốc tế khiến việc tìm kiếm đơn hàng của doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, dẫn tới việc giảm giá. Tiếp theo, nhu cầu thủy sản nhập khẩu giảm do các quốc gia nhập khẩu cũng chưa tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho lớn của năm trước.
Tuy nhiên, một số tín hiệu tốt từ thị trường thế giới và trong nước cũng như xu hướng tiêu dùng gia tăng ở các thị trường chính vào những tháng cuối năm đang đem lại triển vọng phục hồi xuất khẩu ngành hàng này.
Tín hiệu mừng của xuất khẩu thủy sản đến từ sự phục hồi của các thị trường chủ lực do nhu cầu tăng vào các dịp lễ cuối năm với sản phẩm thế mạnh của ngành như: cá ngừ, tôm, cá tra. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu giảm sâu trong giai đoạn nửa đầu năm với 27%. Từ tháng 6 trở đi tăng trưởng âm thu hẹp dần. Riêng trong tháng 9, doanh số xuất khẩu chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ nên tổng kim ngạch trong quý III chỉ thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022 và đây cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý năm nay.
Mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào hai thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc. Cả hai thị trường này đều có những tín hiệu khả quan về mặt nhu cầu. Các đơn hàng từ hai thị trường này đang tăng trở lại, nhưng giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thủy sản
Tại Hội nghị, tham tán thương mại tại các thị trường tiêu thụ nhiều thủy sản như: EU, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ, LB Nga đã thông tin cập nhật về tình hình thị trường; đồng thời đưa ra khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ cho biết, Thụy Sỹ tiêu thụ nhiều thủy sản và là nước nhập khẩu nhiều thủy sản, trong đó, nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam khá lớn. Việt Nam thuộc Top 10 nước xuất khẩu nhiều thủy sản nhất vào Thụy Sỹ. Thời gian tới, xu hướng nhập khẩu thủy sản của Thụy Sỹ tiếp tục tăng, đặc biệt là thủy sản hữu cơ. Do tính cạnh tranh tại thị trường Thụy Sỹ ngày càng cao, nên để tăng cường xuất khẩu thủy sản sang Thụy Sỹ, doanh nghiệp cần đảm bảo uy tín chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hàng thủy sản xuất khẩu, tăng cường đầu tư các sản phẩm thủy sản chế biến, nâng tỷ trong xuất khẩu thủy sản chế biến, mở rộng khả năng sản xuất và xuất khẩu thủy sản hữu cơ…
Với thị trường Hoa Kỳ, Thương vụ Việt Nam tại thị trường này cho biết, Hoa kỳ là thị trường rộng lớn, nhu cầu sử dụng thủy sản có giá cạnh tranh cao. Để tăng thị phần xuất khẩu thủy sản vào Hoa Kỳ, doanh nghiệp cần đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh về chất lượng, giảm cạnh tranh về giá rẻ; đồng thời, cần thường xuyên cập nhật thông tin để điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh cho phù hợp, chú ý vấn đề lưu trữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc thủy sản; đặc biệt là mở rộng thị trường cho cá ngừ, các sản phẩm chế biến sâu, tăng cường sử dụng thương mại điện tử.
Còn tại Ai Cập, do cá là thành phần quan trọng trong chế độ ăn uống ở các tỉnh ven biển và đồng bằng phía Bắc của Ai Cập, nên nước này có nhu cầu sử dụng thủy sản cao, hàng năm nhập khẩu nhiều thủy sản. Tuy nhiên, thị phần sản phẩm thủy sản Việt Nam tại Ai Cập còn rất thấp, chưa bằng 1/10 lượng thủy sản của Thái lan xuất khẩu sang Ai Cập.
Để tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang Ai Cập, doanh nghiệp cần ổn định chất lượng, với giá cả cạnh tranh; tập trung vào sản phẩm cá biển đông lạnh và thủy sản chế biến, đa dạng hóa sản phẩm. Đặc biệt, doanh nghiệp cần tăng cường hiện diện nhiều hơn tại thị trường này, cũng như tích cực tham gia các hội chợ trong khu vực để người dân nơi đây biết nhiều hơn đến thủy sản Việt Nam- Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, xuất khẩu thủy sản mới đây đã có dấu hiệu phục hồi, tuy nhiên, khó khăn còn nhiều. Thứ trưởng đề nghị, các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tiếp tục chủ động nắm bắt phân tích chính sách thương mại, cũng như nhu cầu, xu hướng tiêu thụ của nước sở tại, tham mưu cho Bộ và doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất, xuất khẩu phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành cùng phối hợp các địa phương, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là ngành thủy sản, ưu tiên nguồn lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hồi phục sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp của ngành.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã phối hợp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp XTTM nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu cũng như ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế.
Lê Kim Liên