Doanh nghiệp được lợi ích gì khi tích hợp TPM và ISO 9001-2015?

(VietQ.vn) - Hiện nay có rất nhiều công cụ cải tiến giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, một trong những giải pháp được đánh giá mang lại hiệu quả cao là tích hợp bảo trì năng suất toàn diện (TPM) và ISO 9001:2015.
TP.HCM phải 'nghĩ khác, làm khác' để bứt phá trong đổi mới sáng tạo
AZ Skin Medical Spa xâm lấn trái phép bị đình chỉ hoạt động 4,5 tháng
TPM (Total Productive Maintenance) là phương pháp quản lý được áp dụng đầu tiên tại Nhật Bản, sau đó được phổ biến, áp dụng rộng rãi trong các ngành sản xuất công nghiệp trên toàn thế giới.
TPM được giới thiệu vào những năm 1950, khi các nhà máy tại Nhật Bản du nhập, nghiên cứu, áp dụng phương pháp bảo dưỡng phòng ngừa (Preventive Maintenance – PM) từ Mỹ. Theo phương pháp này, việc vận hành máy móc tại phân xưởng sản xuất là do công nhân vận hành thực hiện, còn việc bảo dưỡng máy móc mới do một bộ phận chuyên trách khác. Tuy nhiên, với mức độ tự động hóa ngày càng cao, hoạt động bảo dưỡng phòng ngừa đòi hỏi nhiều nhân lực chuyên môn cho bộ phận bảo dưỡng, thậm chí có khi còn cao hơn số lượng công nhân vận hành.
Điều này khiến các nhà quản lý phải tìm cách thay đổi, theo đó: công nhân vận hành phải đảm nhiệm cả công việc bảo dưỡng hàng ngày còn bộ phận bảo dưỡng chuyên trách sẽ quản lý và đảm nhiệm các công tác bảo dưỡng quan trọng định kỳ. Khái niệm tự chủ bảo dưỡng (Autonomous Maintenance – AM), một yếu tố quan trọng của TPM cũng được xuất hiện từ đây.
ISO 9001:2015 là tiêu chuẩn quốc tế về Hệ thống quản lý Chất lượng do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) ban hành, được chấp nhận và có giá trị trên phạm vi toàn cầu. Việc áp dụng và được chứng nhận theo ISO 9001:2015 đối với một doanh nghiệp đảm bảo đơn vị đó có hệ thống quản lý tốt về chất lượng sản phẩm, dịch vụ và có khả năng cung cấp một cách ổn định các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng các yêu cầu.
Khi tích hợp TPM và ISO 9001:2015 lại mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, các vấn đề về năng suất chất lượng sản phẩm được cải thiện.
Điển hình, Công ty THACO Interior đã tiến hành tập trung thiết lập, vận hành bảo trì tự quản AM (Autonomous Maintenance) đối với các máy quan trọng được chọn làm thí điểm (máy ép phun nhựa 250 tấn), sau đó nhân rộng mô hình AM cho các máy khác (chuyền chân không nhựa và chuyền màng phức hợp) để sản xuất linh kiện nhựa.

Công ty THACO Interior nâng cao năng suất chất lượng nhờ tích hợp TPM và ISO 9001:2015.
Sau thời gian triển khai, việc áp dụng TPM đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các hệ thống quản lý hiện có trên cơ sở tích hợp tối đa về hệ thống tài liệu và quá trình vận hành, đánh giá, cải tiến hệ thống. Cụ thể, chỉ số OEE (hiệu suất thiết bị tổng thể) của máy làm thí điểm đã tăng từ mức 43% lên 75%. Điều này có tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của công ty thông qua giảm tổn thất dừng máy, tốc độ, chất lượng.
Hay tại Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP), nhờ tích hợp các công cụ cải tiến năng suất (5S, TPM) với ISO 9001, năng suất lao động của công ty được nâng cao; phương tiện, máy móc, thiết bị đạt hiệu suất trên 90%. Đặc biệt, sự tích hợp TPM với ISO 9001 là yếu tố then chốt giúp NTP nâng cao hiệu suất và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.
5S được NTP thực hiện bắt đầu từ một nhà máy. Sau khi thấy hiệu quả, NTP đã mở rộng ra tất cả các nhà máy, văn phòng của công ty trên toàn quốc. Từ thành công của 5S, NTP tiếp tục triển khai TPM cho các nhà máy sản xuất và tích hợp với ISO 9001, ISO 14000, ISO 50001 cùng các công cụ cải tiến 5S, TPM, LSS, Lean SixSigma. Kết quả đạt được sau 6 tháng triển khai, chỉ số OEE của thiết bị đều đạt trên 50%, thời gian sản xuất giảm từ 132,3 giây/sản phẩm xuống còn 102,92 giây/sản phẩm, năng suất lao động từ 24,7 sản phẩm/người/giờ tăng lên 31,3 sản hẩm/người/giờ, giảm chi phí sản xuất từ 66.006,3 đồng/sản phẩm xuống còn 1.130,1 đồng/sản phẩm, giúp tiết kiệm hơn 1,14 tỷ đồng và giảm 3 công đoạn sản xuất.

Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cũng thành công khi tích hợp giữa hệ thống quản lý với công cụ cải tiến.
Các chuyên gia năng suất chất lượng chỉ rõ, bằng cách tích hợp giữa hệ thống quản lý với công cụ cải tiến sẽ đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp, giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc vào việc duy trì, cải tiến.
Việc tối ưu từ tích hợp có thể được nhận thấy bằng cách sử dụng chung một số quy trình. Chẳng hạn như quy trình đánh giá nội bộ được áp dụng cho cả hệ thống; một đánh giá viên nội bộ có thể đánh giá được cả hai hệ thống cùng một lúc với ít chi phí bổ sung về thời gian hay công sức.
Cẩm Anh