Doanh nghiệp cần thích ứng trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động trong năm 2022

author 20:17 23/11/2021

(VietQ.vn) - Các doanh nghiệp cần xác định cơ hội tăng trưởng và xem xét lại mô hình kinh doanh, trong đó, kết hợp con người - máy móc, đặc biệt đầu tư vào công nghệ để đáp ứng những yêu cầu mới từ hoàn cảnh do dịch Covid-19 sẽ còn gây ra nhiều thách thức cho nền kinh tế trong năm 2022 sắp tới.

 Hàng nghìn doanh nghiệp đã "chết yểu" vì không thể thích ứng trước đại dịch Covid - 19

Khảo sát gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, gần 94% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch, khoảng 71% doanh nghiệp tiếp tục giảm doanh thu so với năm trước đó, 96% doanh nghiệp gặp các vấn đề liên quan đến tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, quản lý nhân công hoặc đứt gãy chuỗi cung ứng. Các số liệu từ điều tra toàn quốc của VCCI cho thấy 91% doanh nghiệp đã phải chấp nhận giảm quy mô lao động trong thời kỳ dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian, vì vậy, doanh nghiệp mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp. Đặc biệt, các doanh nghiệp mong chờ và kỳ vọng sẽ sớm có chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, sát hợp với nhu cầu, điều kiện của các doanh nghiệp, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình.

Trong khi đó, dự báo bức tranh môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu 2022 có các xu thế mới, nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục chịu tác động sâu và dài trong năm thứ 3 của đại dịch Covid -19 và nhấn mạnh áp lực tăng trưởng, ổn định, cân bằng xã hội sẽ gia tăng với hầu hết quốc gia. Cùng với đó là áp lực lạm phát gia tăng sau nhiều gói giải cứu, hỗ trợ; các quốc gia sẽ buộc phải thí điểm mở cửa biên giới, nhất là để tập trung khôi phục lại kinh tế, đặc biệt là các ngành chịu ảnh hưởng lớn như du lịch, nhà hàng khách sạn…

Do đó, các quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với thách thức còn tiếp diễn bao gồm sự gián đoạn sản xuất do đứt gẫy chuỗi cung ứng trong phạm vi khu vực và toàn cầu. Cùng với đó, doanh nghiệp buộc phải trải qua quá trình số hóa do các phương thức tiêu dùng, sản xuất, cung cấp, tương tác, công việc… thay đổi, cùng tác động của đại dịch Covid-19.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ngày 11/10/2021, Nghị quyết số 128/NQ-CP do Chính phủ ban hành về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” chính thức có hiệu lực trong công tác phòng chống dịch.

Đồng thời, Việt Nam có thể học hỏi một số kinh nghiệm từ các doanh nghiệp đến từ một số nền kinh tế lớn trên thế giới để có thể thích ứng tốt hơn trước thách thức. Có thể nói như đầu tư mạnh mẽ vào số hóa, bao gồm phát triển năng lực kĩ thuật số cho hệ thống doanh nghiệp; số hoá chuỗi cung ứng.

Hoặc phát triển theo hướng dài hạn và bền vững hơn, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thúc đẩy khả năng cạnh tranh quốc tế thay vì chăm chú vào mục tiêu tăng trưởng nhanh và ưu tiên cho các vấn đề về môi trường, xã hội và quản trị... Đây được cho là biện pháp hiệu quả để thích ứng tốt hơn trong tình hình mới.

Để phát triển kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới” năm 2022, TS. Nguyễn Đức Khương - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, ngay cả trong thời kỳ suy thoái và suy thoái kinh tế nghiêm trọng, một số công ty vẫn có thể giành được lợi thế. Các cuộc khủng hoảng không chỉ tạo ra rất nhiều thay đổi tạm thời, chủ yếu là sự thay đổi trong ngắn hạn về nhu cầu, mà còn cả một số thay đổi kéo dài.

Chính vì vậy, doanh nghiệp cần xác định cơ hội tăng trưởng và xem xét lại mô hình kinh doanh. Trong đó, kết hợp con người– máy móc để đáp ứng yêu cầu mới từ khách hàng, hoạt động kinh doanh, có khả năng kháng cự với các cú sốc... đặc biệt đầu tư vào công nghệ và dữ liệu, đây là công cụ vô cùng cần thiết. 

 Nguyễn Hương (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang