Đồng hành hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp triển khai Đề án 100

author 06:00 15/02/2022

(VietQ.vn) - Trải qua 1 năm đầy khó khăn do dịch bệnh, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (NBC) vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó đã đồng hành hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp triển khai Đề án 100.

Mặc dù năm 2021 là một năm khó khăn do tác động từ dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng, đề cao sự sáng tạo trong quản trị công việc và tinh thần đoàn kết vì mục tiêu chung, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (NBC) vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, không những đạt chỉ tiêu đề ra, mà còn tăng trưởng các chỉ số về nhân lực và tài chính so với năm 2020.

Việc tối ưu hóa các phương pháp triển khai hoạt động sự nghiệp, cải tiến liên tục phương pháp thu hồi nợ phí mã số mã vạch, do đó tổng thu hoạt động sự nghiệp năm 2021 tăng trên 10%, tỷ lệ nộp ngân sách nhà nước, các chỉ số về tài chính đều tăng đáng kể so với năm 2020.

Ông Bùi Bá Chính - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (NBC).

Hỗ trợ địa phương triển khai Đề án 100 về Truy xuất nguồn gốc

Năm 2021, thông qua các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Trung tâm đã hỗ trợ, đồng hành cùng 63 tỉnh/thành phố tham mưu, đóng góp ý kiến cho Sở Khoa học và Công nghệ tại một số địa phương thực hiện nội dung Kế hoạch triển khai Đề án 100, đặc biệt hỗ trợ các hoạt động: Đào tạo, hội thảo phổ biến nội dung và cách thức thực hiện truy xuất nguồn gốc; Triển khai mô hình điểm và phổ biến nhân rộng.

 
Hoạt động hỗ trợ địa phương triển khai Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng kịp thời hỗ trợ địa phương giải quyết một số vấn đề cấp bách, phát sinh liên quan vấn đề không trung thực về nguồn gốc đối với thương hiệu xoài Mỹ Xương, Đồng Tháp; Thực hiện truy xuất nguồn gốc đào trồng trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Đến nay, có 55 địa phương đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án; 45 địa phương đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền và tập huấn đào tạo các nội dung trong Đề án; 40 địa phương xác định được sản phẩm đặc trưng/sản phẩm ưu tiên  thực hiện truy xuất nguồn gốc; 26 địa phương có các hoạt động chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc; 25 địa phương đã triển khai truy xuất nguồn gốc hoặc đã áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm cụ thể.

Hoạt động Mã số mã vạch

Trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng xấu của dịch bệnh Covid-19, Trung tâm đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, duy trì các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp: Giải quyết thủ tục hành chính xác nhận sử dụng mã nước ngoài trong thời gian 01 ngày làm việc; Hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký mã số mã vạch trên dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên Cổng dịch vụ công quốc gia;

Hợp tác với các đơn vị tham mưu về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng địa phương và công ty cung cấp giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận hồ sơ đăng ký xác nhận sử dụng mã nước ngoài.

Đẩy mạnh cải tiến thủ tục, điện tử hóa quy trình, cải tiến phương thức đóng phí duy trì MSMV. Đẩy mạnh hợp tác với Ngân hàng Vietinbank, sàn thương mại điện tử Foodmap để hỗ trợ khách hàng và các dịch vụ của Trung tâm được triển khai thuận lợi.

Số doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số mã vạch trong năm 2021: 5.797 thành viên đăng ký mới; 119 hồ sơ xác nhận sử dụng mã nước ngoài; 44 hồ sơ ủy quyền sử dụng mã số mã vạch

Hoạt động dịch vụ

Triển khai truy xuất nguồn gốc cafe Vĩnh Hiệp Gia Lai.

Trong năm qua Trung tâm đẩy mạnh triển khai Đề án 100. Theo đó nhiều dịch vụ dưới hình thức hội thảo, tập huấn, đào tạo về truy xuất nguồn gốc cho các địa phương được tổ chức cả hình thức online và offline.

Các dịch vụ triển khai mô hình thí điểm truy xuất nguồn gốc; Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; Xây dựng tài liệu hướng dẫn; Khảo sát nhu cầu, hiện trạng áp dụng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc; Cung cấp giải pháp truy xuất thông tin và tem truy xuất thông tin cũng được Trung tâm triển khai.

Tiêu biểu, năm 2021, Trung tâm triển khai các nhiệm vụ, hợp đồng truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm hàng hóa tại các tỉnh như: Gạo Phú Thiện, Rau Đắk Pơ, cà phê nhân tại Gia Lai; Chè Hảo Đạt, Sơn Dung, Tâm Trà Thái tại tỉnh Thái Nguyên; Đánh giá hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 10 sản phẩm tại tỉnh Sóc Trăng.

Hoạt động hợp tác quốc tế

 
Một số hoạt động hợp tác quốc tế trong năm 2021 của NBC.

Năm 2021, thực hiện vai trò của quốc gia thành viên GS1, GS1 Việt Nam đã tham gia tích cực và hiệu quả trong các hoạt động hợp tác quốc tế với GS1 toàn cầu và các quốc gia thành viên khác. Tham gia và tổ chức 06 Hội nghị, Hội thảo quốc tế trong khuôn khổ các sự kiện do GS1 toàn cầu tổ chức.

Chính thức trở thành đại lý cung cấp mã định danh pháp nhân (LEI) từ 01/01/2021, từ đó giúp các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam có thể dễ dàng hơn trong các giao dịch tài chính trên toàn cầu.

Kết nối thành công Dự án thử nghiệm về truy xuất nguồn gốc xuyên biên giới giữa GS1 Việt Nam và GS1 Hongkong và mở ra hợp tác kết nối hai hệ thống truy xuất nguồn gốc trong thời gian sắp tới.

Tích cực kết nối, hỗ trợ Doanh nghiệp Việt Nam áp dụng mã số mã vạch và truy xuất nguồn gốc để tham gia vào các Dự án quốc tế như UNIDO, LinkSMEs, ADB nhằm nâng cao năng lực xuất nhập khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam.

Năm 2021 đã khép lại, với những nỗ lực không ngừng, Trung tâm đã đạt được những kết quả quan trọng. Đây sẽ là tiền đề để Trung tâm thực hiện tốt phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2022.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang