Dừa có thể gây dị ứng, đâu là triệu chứng nhận biết?

author 13:57 20/08/2021

(VietQ.vn) - Trường Đại học Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch học Hoa Kỳ (ACAAI) cho biết, dị ứng dừa là trường hợp hiếm gặp, tuy nhiên đã có một vài trường hợp được báo cáo trong các tài liệu y tế.

Dừa là loài cây nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, có giá trị kinh tế lớn. Lớp xơ của vỏ dừa được dùng để làm dây thừng hoặc chiếu, phần thịt màu trắng bên trong quả dừa có thể ăn, nước dừa có thể uống được. Ngoài ra, các sản phẩm chiết xuất từ dừa cũng được thêm vào nhiều loại thực phẩm (bánh ngọt), một số loại sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh hoặc dùng trong mỹ phẩm.

Dừa là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng cũng giống như bất kỳ loại thực phẩm nào, nó có thể gây nguy hiểm cho người bị dị ứng dừa. Dị ứng dừa không phổ biến như các loại dị ứng khác nhưng vẫn có khả năng xảy ra. Tạp chí sức khoẻ Verywell Health cho biết, dị ứng dừa rất hiếm nhưng đã ghi nhận những trường hợp thực tế. Triệu chứng dị ứng xuất hiện ngoài da như phát ban, nổi mề đay hoặc chàm.

Theo thông tin từ Trường Đại học Dị ứng, Hen suyễn & Miễn dịch học Hoa Kỳ (ACAAI), chỉ có một số trường hợp được báo cáo trong các tài liệu y tế. Các phản ứng dị ứng với dừa đã được ghi nhận. Những người dị ứng với các loại hạt cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, hầu hết những người bị dị ứng với các loại hạt đều có thể ăn dừa một cách an toàn.

Mặc dù dị ứng dừa rất hiếm, nhưng người bị dị ứng có thể xảy ra các triệu chứng giống như dị ứng thực phẩm sau khi uống hoặc ăn các thực phẩm làm từ dừa.

Phát ban, nổi mề đay

Những phản ứng này có thể bao gồm phản ứng ngoài da như phát ban, nổi mề đay hoặc chàm. Các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, đau dạ dày, nôn mửa hoặc tiêu chảy. Các triệu chứng về đường thở như thở khò khè, ho hoặc chảy nước mũi. Người dị ứng dừa cũng có thể sưng (phù mạch) ở môi, lưỡi hoặc mặt.

Sốc phản vệ nhưng hiếm gặp

Phản ứng nghiêm trọng, được gọi là sốc phản vệ có thể xảy ra ở dị ứng dừa và ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan. Tuy nhiên, trường hợp sốc phản vệ với dừa là cực kỳ hiếm.

Dị ứng dừa là trường hợp hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra 

Viêm da tiếp xúc

Một triệu chứng phổ biến hơn khi dị ứng dừa là viêm da tiếp xúc. Viêm da dị ứng xảy ra do dừa xuất hiện trong thành phần một số loại sản phẩm. Ví dụ rất nhiều sản phẩm chăm sóc cá nhân như dầu gội đầu, kem dưỡng ẩm, xà phòng, chất tẩy rửa và nước rửa tay có thành phần, chiết xuất từ dừa.

Phát ban

Phát ban, phồng rộp hoặc ngứa có thể xuất hiện một hoặc hai ngày sau khi tiếp xúc với dừa. Nếu nghi ngờ viêm da tiếp xúc sau khi dùng sản phẩm từ dừa, hãy liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra.

Dị ứng dừa có được ăn các loại hạt có quan hệ gần với dừa không?

Cũng theo các nhà nghiên cứu, về mặt thực vật học, dừa có quan hệ gần gũi nhất với các loại cọ và trầu không. Tuy nhiên, các mối quan hệ thực vật không phải yếu tố duy nhất xác định liệu nếu dị ứng dừa thì có dị ứng với "họ hàng" của chúng không. Trong một số trường hợp, "họ hàng" gần gũi về mặt sinh học thường giống nhau về các protein gây dị ứng. Ví dụ, hạt điều và hạt dẻ cười có quan hệ mật thiết với nhau và chứa các protein tương tự nhau. Những người bị dị ứng với một trong những loại hạt này cũng thường bị dị ứng với loại hạt còn lại.

Hầu hết những người bị dị ứng hạt cây đều có thể sử dụng dừa một cách an toàn, tuy nhiên để đảm bảo nếu trẻ bị dị ứng nghiêm trọng với các loại hạt cây, phụ huynh cần trao đổi với bác sĩ trước khi cho trẻ ăn dừa.

Ngoài ra, nếu bị dị ứng dừa nên đọc kỹ nhãn thực phẩm mà mình mua để đảm bảo không chứa dừa hoặc dầu dừa. Các loại thực phẩm có thể chứa dừa hoặc dầu dừa gồm: Bắp rang bơ, bánh ngọt, kẹo, socola, sữa bột trẻ em,... Ngoài ra, dầu dừa còn là một thành phần được sử dụng phổ biến trong nhiều loại mỹ phẩm, vì vậy nên kiểm tra kỹ nhãn của các loại mỹ phẩm trước khi mua chúng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang