Không nên tự ý dùng thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vaccine Covid-19

author 06:49 17/08/2021

(VietQ.vn) - Các chuyên gia y tế mới đây đưa ra khuyến cáo, người dân không nên tự ý sử dụng thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vaccine Covid-19.

Dùng thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vaccine Covid-19 phải có hướng dẫn từ chuyên gia y tế

Theo các chuyên gia y tế, khi tiêm vaccine, hệ thống miễn dịch sẽ được kích hoạt để tạo phản ứng bảo vệ chống lại mầm bệnh - trong trường hợp này là nCoV. Hệ thống miễn dịch được kích hoạt sẽ giải phóng các chất trung gian gây viêm, có thể dẫn đến triệu chứng như sốt, đau nhức, mẩn đỏ và sưng tấy tại chỗ tiêm hoặc hạch bạch huyết lân cận. Các triệu chứng này thường hết trong 24 đến 48 giờ.

Một số ít người có nguy cơ tiến triển thành những phản ứng nghiêm trọng nếu bệnh nhân bị dị ứng với polyethylene glycol hoặc polysorbate. Đây là những thành phần có trong vaccine Covid-19. Những phản ứng này rất hiếm gặp, có thể dẫn đến phản vệ. Chúng có thể làm co thắt khí quản (gây ra khó thở, thở khò khè), phát ban, tụt huyết áp và các triệu chứng tiêu hóa khác.

Không tự ý dùng thuốc chống dị ứng trước khi tiêm vaccine  

Hiện, các chuyên gia y tế đều cho rằng lợi ích của việc hoàn thành 2 mũi vaccine lớn hơn nhiều so với nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng do tiêm chủng không đầy đủ hoặc không tiêm vaccine.

Nếu gặp dị ứng sau liều vaccine đầu tiên, bác sĩ chuyên khoa có thể khuyến cáo nên điều trị trước bằng thuốc chống dị ứng (kháng histamin) để làm giảm phản ứng của cơ thể. Các nghiên cứu mới đã phát hiện ra thuốc kháng histamine giúp giải quyết phản ứng dị ứng một số người gặp phải sau khi tiêm vaccine Covid-19. Những người có phản ứng dị ứng với mũi một vaccine cần được theo dõi chặt chẽ hơn khi tiềm mũi 2.

Tuy nhiên, người dân không nên dùng thuốc chống dị ứng trước khi tiêm để ngăn ngừa các phản ứng của vaccine. Việc tự ý sử dụng thuốc chống dị ứng trước mà không có sự tư vấn, hướng dẫn từ chuyên gia y tế có thể dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn. Bởi loại thuốc nào cũng là con dao hai lưỡi.

Các loại thuốc này chỉ có thể làm giảm triệu chứng dị ứng mà không có tác dụng điều trị bệnh tận gốc. Ngoài ra, trường hợp dị ứng nặng gây sốc phản vệ, thuốc kháng histamine không có tác dụng, phải dùng các biện pháp điều trị cấp cứu. Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc kháng histamine như buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, ảnh hưởng tới hệ thần kinh và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Điểm lưu ý quan trọng là không được dùng chung thuốc kháng histamin với rượu. Thận trọng khi dùng các loại thuốc kháng histamine cho phụ nữ mang thai vì dễ gây tác dụng phụ và ảnh hưởng tới thai nhi. Do vậy, trước khi sử dụng, mẹ bầu cần tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ đúng.

Người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc kháng histamin để phòng dị ứng trước khi tiêm vaccine Covid-19. Bất kỳ ai bị phản ứng sau liều đầu tiên và có tiền sử phản ứng với vaccine nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn tiêm phòng đầy đủ. Mọi sử dụng cần tuân thủ theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, cách dùng, thời gian để tránh gặp phải tác dụng phụ nguy hiểm.

Những dấu hiệu phản ứng phản vệ sau tiêm vaccine Covid-19 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định, biến chứng nghiêm trọng do vaccine gây ra là cực kỳ hiếm gặp, trong khi đó lợi ích do vaccine và tiêm chủng mang lại lớn hơn rất nhiều. Khi gặp các phản ứng phản vệ dưới đây, người được tiêm vaccine cần liên hệ ngay với bác sĩ hoặc bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán nguyên nhân nhằm xử trí và điều trị kịp thời như:

Sốt cao (>38 độ): Nên uống nhiều nước, dùng thuốc hạ sốt an toàn, mặc thoáng, lau mát với nước ấm, đảm bảo nhu cầu dịch và dinh dưỡng.

Co giật: Co giật có thể kèm sốt hoặc không, dùng thuốc chống co giật theo đúng phác đồ xử trí co giật.

Áp xe: Có thể là áp xe vô khuẩn hoặc áp xe nhiễm khuẩn, rò dịch. Trường hợp áp xe do nhiễm khuẩn, nên dùng thuốc kháng sinh điều trị.

Nhiễm khuẩn huyết: Biến chứng trầm trọng và nguy hiểm nhất là sốc nhiễm trùng. Cần đến bệnh viện sớm để điều trị sốc theo phác đồ, tránh các biến chứng.

Phản ứng quá mẫn cấp tính: Trong trường hợp phản ứng nặng nên xử trí như trường hợp phản ứng phản vệ. 

Phản ứng phản vệ: do nhiều nguyên nhân gây ra, thường có triệu chứng như vật vã, mẩn ngứa, ban đỏ, mề đay, mạch khó bắt, huyết áp tụt, đau bụng, khó thở, co giật… Cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời.

Huyết khối: Đau đầu dai dẳng, dữ dội, triệu chứng thần kinh khu trú, co giật, hoặc mờ hoặc nhìn đôi, khó thở hoặc đau ngực, đau bụng hoặc đau bụng dữ dội, đau, phù chi dưới, có thể biểu hiện chảy máu, xuất huyết da, hoặc xuất huyết nội tạng.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang