Ethanol sinh học: Chìa khóa để phát triển giao thông xanh, giảm phát thải khí nhà kính

author 20:12 22/08/2024

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng tái tạo ngày càng tăng cao, ethanol sinh học đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao thông xanh, giảm phát thải khí nhà kính (KNK) tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Sự mở rộng của ethanol sinh học tại châu Á

Ethanol sinh học đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển giao thông xanh và giảm thiểu KNK. Theo ông Chris Markey - Phó Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương của Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ, ethanol không chỉ được sử dụng làm phụ gia cho xăng mà còn có nhiều ứng dụng khác trong thực phẩm, đồ uống, hóa chất, mỹ phẩm và dược phẩm. Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất của ethanol là trong lĩnh vực giao thông vận tải, nơi nó giúp giảm phát thải độc tố không khí và bảo vệ môi trường.

Ông Chris Markey - Phó Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương của Hội đồng Ngũ cốc Hoa Kỳ. Ảnh: Duy Trinh

Tại khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, việc sử dụng ethanol đang được mở rộng mạnh mẽ. Cụ thể, tại Việt Nam, chỉ thị về xăng E5 RON 92 đã được triển khai, còn Philippines áp dụng xăng E10 và dự kiến sẽ công bố chính sách E20 tự nguyện vào năm 2024. Indonesia đang thử nghiệm xăng E5 và chuẩn bị lộ trình cho các chỉ thị E5/E7. Thái Lan đặt mục tiêu tiêu thụ nhiên liệu ethanol hàng năm khoảng 370 triệu gallon và định hướng sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) từ ethanol (ETJ) và nhựa sinh học.

Tại Úc, hai bang đã áp dụng chỉ thị E4 và E6, đồng thời triển khai lộ trình SAF sử dụng ETJ. Singapore vẫn duy trì vai trò là trung tâm trung chuyển và pha trộn ethanol, trong khi Malaysia đang tích cực đánh giá việc sử dụng ethanol cho mục đích hàng không và đường bộ. Myanmar đã bắt đầu sản xuất tại cơ sở nhiên liệu ethanol đầu tiên của quốc gia vào năm 2023 và đang xem xét các hành động chính sách tiềm năng.

Ở các quốc gia châu Á khác, Ấn Độ đã đạt được mức E10 vào năm 2023 và đang hướng tới E20 vào năm 2025-2026. Tại Trung Quốc, các chỉ thị về E10 đã được triển khai tại các tỉnh từ những năm 2010 và mục tiêu chỉ thị E10 quốc gia được công bố vào năm 2017. Hàn Quốc đang soạn thảo tiêu chuẩn nhiên liệu tái tạo (RFS) và tiến hành các thử nghiệm ethanol có khả năng ứng dụng, cũng như triển khai SAF ETJ. Nhật Bản cam kết tăng gấp đôi mức tiêu thụ ethanol vào năm 2030, cùng với các dự án thí điểm E7 và SAF ETJ. Đài Loan cũng đang xem xét các giải pháp ethanol cho vận tải đường bộ.

Dự báo nhu cầu nhiên liệu sinh học đến năm 2030

Theo ông Chris Markey, nhu cầu về diesel sinh học sẽ tiếp tục tăng cao ở các quốc gia sản xuất dầu cọ, với tỷ lệ thâm nhập diesel sinh học trong tổng lượng diesel đạt gần 4% theo thể tích, chủ yếu do chỉ thị của Indonesia. Khu vực này có khả năng bắt đầu tiêu thụ dầu diesel tái tạo từ năm 2023.

Nhu cầu về xăng sinh học cũng được dự đoán sẽ tăng cao, đặc biệt ở các quốc gia sản xuất đường như Trung Quốc và Ấn Độ. Tỷ trọng xăng sinh học trong tổng lượng xăng dự kiến sẽ đạt trên 3,5% theo thể tích, phần lớn nhờ vào các chỉ thị tại Trung Quốc và Ấn Độ. Các cơ sở sản xuất ethanol mới từ nguồn phi sinh khối, như CO2, có thể xuất hiện để giúp các quốc gia đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030.

Ông Chris Markey chia sẻ thêm, ethanol sinh học không chỉ mang lại lợi ích môi trường thông qua việc giảm thiểu KNK mà còn có lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Tại Việt Nam, với khoảng 50% dân số làm nông nghiệp, việc sản xuất ethanol từ các nguyên liệu sẵn có như sắn và ngô có thể tạo ra lợi ích kinh tế đáng kể cho cộng đồng nông thôn, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và tăng cường an ninh năng lượng.

Kết quả nghiên cứu tại 5 thành phố lớn trên toàn cầu gồm Bắc Kinh, Mexico City, New Delhi, Seoul và Tokyo cho thấy việc sử dụng xăng pha ethanol E10 và E20 có thể giúp giảm từ 1,8% đến 9,1% lượng KNK. Theo nghiên cứu từ Trung tâm Đánh giá Vòng đời, Đại học Los Baños (Philippines) công bố năm 2023 cho thấy, việc pha trộn ethanol vào xăng có thể giúp giảm từ 1,67% đến 14,95% lượng KNK so với xăng không pha trộn.

Một điểm lợi thế là nguồn cung cấp nguyên liệu sản xuất ethanol ở ASEAN tương đối đa dạng, bao gồm sắn và ngô từ Việt Nam, mật mía từ Philippines và Thái Lan, cũng như nước mía và sắn từ Thái Lan. Đây là cơ hội tiềm năng cho việc phát triển các nguyên liệu đầu vào thay thế từ các quốc gia Đông Nam Á.

Các quốc gia nông nghiệp có lợi thế trong sản xuất ethanol sinh học. Ảnh minh họa

Ethanol sinh học ngày càng trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Á. Các mục tiêu trung hòa các-bon và sự gia tăng của giá xăng đã thúc đẩy việc sử dụng ethanol sinh học. Tại Việt Nam, ethanol sinh học cung cấp một giải pháp tức thì để giảm KNK trong giao thông vận tải đường bộ.

Về đường biển, ông R. Duncan McIntosh - Chuyên gia hàng hải, Ngân hàng ADB cho biết, hàng hải đóng góp rất quan trọng trong thương mại toàn cầu, đây cũng là phương tiện vận chuyển hàng hoá nhiều nhất trên thế giới, gấp 50 lần so với hàng không và rất nhiều lần so với đường bộ

Để thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trên toàn cầu, theo ông R. Duncan McIntosh sẽ cần tới 1,9 nghìn tỷ USD, và cần sự kết hợp toàn diện với ngành năng lượng.

Trong đó, cần đầu tư cho công nghệ mới, đặc biệt công nghệ ngành hàng hải, cần có kênh để khơi luồng nhanh thu hút các dự án đầu tư để ứng dụng công nghệ trong ngành hàng hải.

Sự chuyển dịch của ngành hàng hải phụ thuộc vào nguồn điện và hạ tầng nhiên liệu khu vực cảng để phát triển hành lang xanh, giảm phát thải CO2. Trong quá trình chuyển dịch này, các hãng hàng hải của các quốc gia đang phát triển, các tàu nhỏ tại các quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Do đó, triển khai hoạt động điện hoá cần đảm bảo sử dụng hiệu quả hiệu suất, hài hoà các chính sách kinh tế xanh cho các quốc gia, các ngành.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang