Nhập viện vì tự ý dùng thuốc chống đông thay vì tuân thủ uống thuốc huyết áp

author 06:43 26/03/2025

(VietQ.vn) - Một người phụ nữ tại Quảng Ninh đã phải nhập viện do có tiền sử tăng huyết áp nhưng không tuân thủ phác đồ điều trị mà tự ý dùng thuốc chống đông dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.

Theo thông tin từ Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), nữ bệnh nhân 58 tuổi (trú tại Bình Dương, Đông Triều, Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng lưng phải sưng nề, bầm tím, có vết rạch đang chảy dịch. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng thay vì tuân thủ điều trị, bà đã tự ý mua và sử dụng thuốc chống đông. Khi bị đau lưng, người bệnh tiếp tục tự tiêm thuốc giảm đau.

Hai ngày sau, vùng lưng bà sưng tấy, bầm tím, đau nhức. Bệnh nhân đến khám tại phòng khám tư, được chẩn đoán có dịch mủ và tiến hành trích dẫn lưu. Tuy nhiên, tình trạng không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng hơn, khiến người bệnh đau đớn, mất ngủ, buộc phải đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) thăm khám.

Tại đây, ê-kíp ghi nhận vùng lưng bệnh nhân sưng nề, bầm tím diện rộng (khoảng 20x10 cm), vết trích rạch chảy dịch. Theo các bác sĩ, việc bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc chống đông đã gây rối loạn đông máu, dẫn đến biến chứng tụ máu sau tiêm.

Các bác sĩ khuyến cáo khi gặp vấn đề sức khỏe, người dân nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chỉ định thuốc phù hợp. Người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc chống đông, do nguy cơ rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, thậm chí tử vong. Việc tiêm thuốc không đảm bảo vô trùng còn làm tăng nguy cơ áp xe, nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng. Trong quá trình điều trị, người bệnh cũng cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ, uống thuốc đúng liều lượng và báo ngay cho nhân viên y tế nếu có dấu hiệu bất thường.

Người cao huyết áp không nên tự ý uống thuốc chống đông để thay thế. Ảnh minh họa

Bệnh viện Vinmec thông tin thêm, thuốc chống đông máu được dùng để phòng ngừa và điều trị các bệnh do cục máu đông gây ra. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chống cục máu đông có nhiều điều phải lưu ý. Bác sĩ và người bệnh cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu để xử trí kịp thời những tác dụng phụ của thuốc chống đông máu gây ra như chảy máu ở chân răng hoặc mũi, nước tiểu và phân có màu hồng, đỏ, hoặc đen. Thậm chí còn bị rong kinh hoặc rong huyết, đau bụng, nôn ra máu

Tăng huyết áp đề cập đến sự gia tăng huyết áp động mạch hệ thống (huyết áp tâm thu và/hoặc huyết áp tâm trương) là đặc điểm chính (huyết áp tâm thu ≥140 mmHg, huyết áp tâm trương ≥90 mmHg), có thể đi kèm với rối loạn chức năng của tim, não, thận và các cơ quan khác. Khi đã được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp, người bệnh cần phải dùng thuốc dài hạn để kiểm soát bệnh và giảm tỷ lệ mắc các bệnh về tim mạch và mạch máu não như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Trong một số trường hợp huyết áp tương đối cao, tác dụng của việc chỉ dùng một loại thuốc hạ huyết áp đối với bệnh nhân không rõ ràng, bác sĩ có thể kết hợp hai loại thuốc để nâng cao tác dụng hạ huyết áp.

Thuốc hạ huyết áp sẽ không gây kháng thuốc hay phụ thuộc. Nếu bệnh nhân tăng huyết áp dùng một hoặc phối hợp nhiều loại thuốc hạ huyết áp thì sau khi uống sẽ có tác dụng tốt hơn, huyết áp sẽ ổn định, mục tiêu kiểm soát sẽ tốt hơn. Nhưng nhiều bệnh nhân không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ khi dùng thuốc mà tự quyết định và chuyển đổi thuốc, khiến huyết áp dao động rất lớn và không thể kiểm soát hiệu quả trong thời gian dài.

Có người vì muốn hạ huyết áp, muốn có kết quả ngay nên uống thuốc không thấy hiệu quả sau ít ngày đã tự ý thay đổi thuốc khác. Có người lại sợ dùng thuốc có phản ứng phụ, sợ tác dụng phụ, sợ kháng thuốc, nhờn thuốc…

Trên thực tế, việc điều trị bằng thuốc nào cũng có quá trình, một số loại thuốc hạ huyết áp như thuốc ức chế men chuyển angiotensin có tác dụng tương đối nhẹ, thường mất 1-2 tuần kể từ khi dùng thuốc để đạt được mức kiểm soát huyết áp lý tưởng và ổn định.

Nếu bệnh nhân thường xuyên thay đổi thuốc có thể gây biến động huyết áp và gây tổn thương các cơ quan đích. Ngoài ra, nếu huyết áp tăng hoặc dao động trong khi dùng thuốc, có thể do nhiều yếu tố trong cuộc sống gây ra, như cảm lạnh, mất ngủ, đau khớp và dùng một số loại thuốc khác, có thể khiến huyết áp tăng.

Vì vậy, trước hết cần làm rõ huyết áp tăng và dao động có phải là do tình trạng tăng huyết áp thay đổi hay không, nếu tình trạng không thay đổi thì không nên đổi thuốc. Nếu cần phải đổi thuốc hoặc các phương pháp điều trị khác cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn và chẩn đoán của bác sĩ.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang