v

Gia hạn thời hạn điều tra rà soát nhà xuất khẩu mới áp dụng chống bán phá giá màng BOPP

author 13:31 10/02/2023

(VietQ.vn) - Bộ Công Thương quyết định gia hạn thời hạn điều tra rà soát nhà xuất khẩu mới áp dụng chống bán phá giá một số sản phẩm màng BOPP.

Trước đó, ngày 14/11/2022, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 2400/QĐ-BCT về việc rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen có xuất xứ từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc (mã vụ việc NR01.AD07).

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, để có thêm thời gian xem xét toàn diện, khách quan những vấn đề liên quan đến vụ việc cũng như ý kiến của các bên liên quan, căn cứ quy định tại Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14, ngày 9/2/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 197/QĐ-BCT về việc gia hạn thời hạn rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen có xuất xứ từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc thêm 3 tháng, theo đó thời hạn kết thúc điều tra vụ việc là ngày 14/5/2023.

Được biết, vào ngày 15/7/2022, Bộ Công Thương cũng ban hành Quyết định số 1403/QĐ-BCT về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen có xuất xứ từ Malaysia, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

Ảnh minh hoạ

Theo đó, hàng hóa bị áp dụng thuế chống bán phá giá là một số sản phẩm plastic và sản phẩm bằng plastic được làm từ các polyme từ propylen có độ dày từ 10 micron – 80 micron và độ rộng từ 115 mm – 7800mm, được phân loại theo các mã HS 3920.20.10 và 3920.20.91. Cụ thể, đối với các công ty của Malaysia, mức thuế được áp dụng ở mức từ 18,87% - 23,42%. Các công ty của Thái Lan là từ 17,30% - 20,35% và các công ty của Trung Quốc là từ 9,45% - 23,71%.

Quyết định 1403 nêu rõ, biện pháp chống bán phá giá sẽ được áp dụng đến ngày 22/7/2025 (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo quyết định của Bộ Công Thương căn cứ trên kết quả rà soát việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá theo quy định của pháp luật).

Để có cơ sở xác định hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, giấy chứng nhận của nhà sản xuất và giấy tờ có liên quan khác theo quy định.

Cụ thể, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) hoặc chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa phù hợp quy định tại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến Bộ xuyên Thái Bình Dương; Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực; Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu; Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-Len; Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN.

Theo Quyết định 1403, trong trường hợp người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì áp dụng mức thuế chống bán phá giá là 23,71%. Trong trường hợp người khai hải quan nộp được chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ các nước, vùng lãnh thổ khác không phải Malaysia, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thì không phải nộp thuế chống bán phá giá…

Sau khi Quyết định 1403 có hiệu lực, Bộ Công Thương sẽ phối hợp các cơ quan quản lý có liên quan theo dõi hiệu quả việc thực thi Quyết định trên cơ sở thông tin về tình hình nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng áp thuế chống bán phá giá do cơ quan hải quan cung cấp căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang