Giáo sư, nông dân và nhà báo

author 07:44 13/03/2014

(VietQ.vn) – Đã từng có nhà báo lấy nông dân làm máy bay để “hạ bệ” giáo sư. Đó là vì tất cả chưa hiểu nhau.

Hiểu lầm

Nhiều năm trước,  một cán bộ lãnh đạo từng tâm sự, ông đã mất ngủ với một bài báo về giáo sư và nông dân. Nội dung lấy chuyện “Hai Lúa” làm được một số loại máy móc, để “nói kháy” các nhà khoa học có nhiều học hàm, học vị…nhưng chưa làm được gì có ích cho nông nghiệp.

Các nhà khoa học Bảo vệ thực vật giúp nông dân giết sâu, bọ

Các nhà khoa học Bảo vệ thực vật giúp nông dân giết sâu, bọ

Nhưng sự thật lại khác. Các nhà khoa học ở Viện Cơ điện Nông nghiệp đã và đang sáng chế nhiều loại máy phục vụ gieo xạ, gặt lúa, thu hoạch mía, đóng kiện rơm…được sản xuất đại trà. Còn nhiều sản phẩm của nông dân  thì chưa nhân rộng thương mại hóa được, vì chỉ phù hợp canh tác đặc thù.

Chất lượng Việt Nam cũng đăng tải một số sáng chế của các nhà khoa học Viện Bảo vệ thực vật. Họ đã biết đến các loại thuốc trừ sâu bằng thảo mộc từ lâu, và sản xuất được nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, bán được trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đương nhiên, khi được hỏi về các phát minh của “Hai Lúa”, các nhà khoa học đều nể trọng và khâm phục trước tinh thần sáng tạo, ham học hỏi của những người nông dân lam lũ.

Vì đâu?

Đất nước đang trong công cuộc đổi mới. Tái cơ cấu, tái cấu trúc…là những cụm từ hay được nhắc đến, bởi có nhiều cái cũ đã kém hiệu quả. Tương tự, trong bộ máy hành chính, cũng có những người trình độ hạn chế, làm dân phiền lòng, bức xúc…

Tất cả những điều đó được phản ánh trực tiếp trên các trang báo. Nhất là khi “các quan” gây phiền hà cho dân lại có bằng này, cấp nọ…thì sự bức xúc có phần gia tăng. Thế nên các bài viết ca ngợi nông dân giỏi hơn những người có học hàm, học vị…sẽ khiến người đọc…sảng khoái.

Nhưng điều đó không có nghĩa là “vơ đũa cả nắm”. Bởi giới khoa học Việt Nam đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những thành quả gần đây có thể kể đến như xử lý bùn đỏ Tây Nguyên, chế tạo thành công hệ thống camera giám sát giao thông giá rẻ, ghép tạng thành công….

Kiến tạo thay vì hủy diệt

Mỗi năm, ngân sách cho KH&CN chỉ bằng tiền làm vài chục km đường cao tốc. Nhưng không thể tìm được một quốc gia nào có GDP như Việt Nam mà lại có trình độ KH&CN lớn hơn (làm cầu dây văng, sản xuất vắc xin, tự làm dàn khoan dầu…).

Nếu mỗi sáng chế có giá trị của nhà khoa học được báo chí ủng hộ, tuyên truyền giúp doanh nghiệp biết đến, thì sẽ là cầu nối hiệu quả giữa nghiên cứu và sản xuất, thương mại hóa. Khi đó, thành quả của sản xuất công nghệ cao ấy lại quay trở lại, phục vụ đông đảo người dân (trong đó có giới truyền thông).

GS.TS Nguyễn Quang Liêm, Viện trưởng viện Khoa học vật liệu đã phân tích, không có nước nào, doanh nghiệp nào bán các dây chuyền sản xuất tiên tiến, vẫn còn kiếm được ra tiền cả. Mà họ thường bán các công nghệ lạc hậu. Vì vậy, chúng ta phải đầu tư vào KH&CN để tạo ra các công nghệ mới, năng suất và chất lượng hơn các đối thủ cạnh tranh. Mà vai trò của báo chí là cần ủng hộ việc làm đó.

Nếu mỗi tấm gương làm khoa học được phát hiện và nêu gương, thì sẽ nhân lên tinh thần hiếu học, yêu lao động, yêu khoa học trong cộng đồng; giúp con người ta tin yêu hơn vào cuộc sống. Đó phải chăng chính là mục tiêu cao đẹp của báo chí?

Đương nhiên, vẫn phải chỉ ra những “con sâu” cụ thể làm ảnh hưởng đến sự nghiệp chung. Đó là những kẻ giả danh trí thức để kiếm chác từ đề tài nghiên cứu, là những người hoang phí ngân sách vào những mục đích vô bổ, là hội đồng “ú ớ” về chuyên môn nên “cho qua” các ông “tiến sĩ giấy”…

Nhưng các “thư ký của thời đại” sẽ trở nên tin cậy và nhân văn, khi không “thấy một nói mười”, làm người dân hiểu nhầm về cả bức tranh KH&CN nước nhà.

Phương Đông

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang