Gỡ nút thắt thương mại hoá sáng chế

author 20:29 18/01/2023

(VietQ.vn) - Để thúc đẩy hoạt động khai thác và thương mại hóa sáng chế trong thời gian tới, Nhà nước cần tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi hơn nữa, hướng tới doanh nghiệp, nhà sáng chế, nhà đầu tư trong hoạt động khai thác, thương mại hóa sáng chế.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), thời gian qua, hoạt động thương mại hóa sáng chế ngày càng được Nhà nước và doanh nghiệp quan tâm. Hành lang pháp lý cho thị trường KHCN phát triển, trong đó có các chính sách hỗ trợ thúc đẩy hoạt động sáng chế đã dần được hoàn thiện theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích và trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các tổ chức KHCN công lập trong hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động khai thác, thương mại hóa sáng chế.

Báo cáo của Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho thấy, giai đoạn 1981-2021, số lượng đơn và bằng sáng chế của người Việt Nam là 9.345 đơn và 1.512 bằng sáng chế được cấp. Trong đó, những năm gần đây, số lượng đơn đăng ký sáng chế đang tăng dần, năm 2019 là 720 đơn, năm 2020 là 1.020 đơn, năm 2021 là 1.066 đơn. Hoạt động đăng ký, khai thác và thương mại hóa sáng chế, giải pháp hữu ích có xu hướng tăng nhưng chất lượng các sáng chế còn khiêm tốn, phần lớn mới chỉ giải quyết được các vấn đề sản xuất đơn lẻ. Nhiều sáng chế được bảo hộ không phục vụ cho mục đích khai thác, thương mại mà chỉ để ngăn ngừa các đối thủ cạnh tranh trong ngành nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Hoàng Đức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp KHCN Việt Nam cho biết, hiện nay hoạt động thương mại hóa sản phẩm ra thị trường của các doanh nghiệp chưa đạt kết quả cao, việc kết nối, chia sẻ hợp tác, chuyển giao công nghệ còn thấp dẫn đến không đạt hiệu quả trong kinh doanh và tái đầu tư theo yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, chưa có hướng đi đúng đắn trong hoạt động đầu tư nghiên cứu đổi mới sáng tạo.

Trong khi đó, Việt Nam đã có Chương trình Quốc gia về Phát triển tài sản trí tuệ nhưng các chính sách riêng biệt về bảo hộ, khai thác và thương mại hóa sáng chế vẫn còn triển khai chậm. Các thủ tục, quy trình để nhận ưu đãi trong quá trình khai thác, thương mại hóa còn rườm rà, độ trễ của chính sách còn lớn, mức được hưởng ưu đãi chưa cao. Việc hỗ trợ, kết nối, hợp tác và liên kết giữa nhà sáng chế, chủ sở hữu sáng chế, doanh nghiệp, Nhà nước, nhà đầu tư để đưa sáng chế vào sản xuất, kinh doanh chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.

 Ảnh minh hoạ

Ông Hoàng Đức Thảo cho rằng, để thúc đẩy hoạt động khai thác và thương mại hóa sáng chế trong thời gian tới, Nhà nước cần tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi hơn nữa, hướng tới doanh nghiệp, nhà sáng chế, nhà đầu tư trong hoạt động khai thác, thương mại hóa sáng chế. Đơn giản hóa các thủ tục, quy trình để doanh nghiệp, nhà sáng chế nhận được các tài trợ, ưu đãi về thuế, tín dụng, đào tạo và các chương trình có liên quan tới khai thác sáng chế, như: Chương trình phát triển tài sản trí tuệ, Chương trình phát triển thị trường KHCN, Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng...

Các chuyên gia đề xuất hình thành các cụm liên kết giữa viện, trường, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp KHCN, góp phần hình thành chuỗi giá trị sản phẩm sáng tạo. Hằng năm, các tổ chức KHCN sử dụng vốn ngân sách để thực hiện đề tài, dự án nghiên cứu cần phải có trách nhiệm báo cáo về kết quả của đề tài, dự án sau nghiệm thu. Từ đó sẽ cung cấp các thông tin cần thiết về triển vọng đăng ký sáng chế, về tình trạng kỹ thuật và khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đây là nguồn thông tin quan trọng để có thể gia tăng được nguồn sáng chế trong tương lai.

Ngoài ra, cần hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thông tin sáng chế, xây dựng bản đồ, cơ sở dữ liệu sáng chế, thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn về kỹ năng tra cứu và khai thác sáng chế cho doanh nghiệp. Hình thành và phát triển các tổ chức trung gian như các sàn giao dịch sáng chế, công nghệ, các tổ chức tư vấn, thẩm định, giám định công nghệ để thúc đẩy hoạt động kết nối cung-cầu về sáng chế. Xây dựng hạ tầng công nghệ, quy chế liên kết, hợp tác đối với việc sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm, qua đó góp phần hỗ trợ hoạt động mô phỏng, tái lập sáng chế phục vụ cho hoạt động khai thác, thương mại hóa sáng chế.

Cùng quan điểm, ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN cho rằng, cần tập trung xây dựng và triển khai đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hoá, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh theo hướng: Giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và trách nhiệm thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ KHCN; toàn bộ lợi nhuận thu được từ thương mại hoá được phân chia hợp lý giữa tổ chức chủ trì và các nhà khoa học/tác giả kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; viên chức các đơn vị sự nghiệp được phép góp vốn bằng kết quả nghiên cứu/tài sản trí tuệ và tham gia điều hành doanh nghiệp khởi nguồn.

Ngoài ra, doanh nghiệp được quyền sử dụng kinh phí từ Quỹ Phát triển KHCN của doanh nghiệp theo thông lệ thương mại; tăng mức phân bổ ngân sách Nhà nước dành cho nhiệm vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, coi đó là khoản tài trợ (không hoàn lại) cho tổ chức/cá nhân chủ trì, không phân biệt công lập hay ngoài công lập; tạo cơ chế đột phá cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp trong viện nghiên cứu, trường đại học.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang