Hà Nội phát hiện gần 3.500 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại 4 cơ sở kinh doanh

(VietQ.vn) - Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã phối hợp với lực lượng công an, quản lý thị trường thành phố Hà Nội kiểm tra 4 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm đã tạm giữ gần 3.500 sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Thực phẩm 'bổ dưỡng' tiềm ẩn hiểm họa: Gần 2 tấn táo đỏ, kỷ tử không nguồn gốc bị thu giữ
Thu giữ 5.400 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu tại Công ty TNHH Dược Mỹ phẩm Ngân Korea
Ngủ ngon, thư giãn với Glycine và thảo dược thiên nhiên có trong trà hòa tan Blendy®
Cụ thể, Phòng Nghiệp vụ Quản lý thị trường (QLTT) thuộc Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03) – Công an thành phố Hà Nội, cùng một số Đội QLTT thuộc Chi cục QLTT thành phố Hà Nội, tiến hành kiểm tra đồng loạt tại 4 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố. Đợt kiểm tra nằm trong khuôn khổ triển khai Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, và Kế hoạch số 01/KH-TTTN cùng ngày của Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước về cao điểm giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
Các địa điểm bị kiểm tra gồm: Cơ sở kinh doanh mỹ phẩm số 5 (số 38 BT5, Khu đô thị sinh thái Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm); Cơ sở Linh Nấm (số 77 ngõ 59 Dương Khuê, quận Cầu Giấy); Cơ sở mỹ phẩm 9 (ngõ 58 Trần Vỹ, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy); Một cơ sở khác của Linh Nấm (số 67 Quang Trung, thị xã Sơn Tây).
Tại thời điểm kiểm tra, các cơ sở vẫn mở cửa kinh doanh bình thường, phục vụ phần lớn khách hàng là người dân trong khu vực. Đại diện các hộ kinh doanh xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và một số hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Tuy nhiên, đoàn kiểm tra phát hiện một lượng lớn sản phẩm không rõ nguồn gốc, được trà trộn trong số hàng hóa có chứng từ.

Lượng lớn mỹ phẩm nhập lậu bị thu giữ. Ảnh: Quyên Lưu
Cụ thể, tổ công tác đã tạm giữ gần 3.500 sản phẩm mỹ phẩm gồm dầu gội, kem chống nắng, kem dưỡng da… không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu là hàng nhập lậu. Tổng trị giá số hàng vi phạm ước tính hơn 187 triệu đồng. Dự kiến, tổng mức xử phạt hành chính đối với các cơ sở trên khoảng hơn 300 triệu đồng.
Ông Trần Việt Hùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ QLTT, cho biết: “Đây là một trong chuỗi các hoạt động tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường đối với các nhóm hàng có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như mỹ phẩm và thực phẩm chức năng.”
Đề cập tới mỹ phẩm không rõ nguồn gốc các chuyên gia da liễu khuyến cáo, việc sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện vẫn còn khá phổ biến tại Việt Nam. Đây là thói quen tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Những sản phẩm mỹ phẩm trôi nổi trên thị trường thường có giá rẻ, không được kiểm nghiệm bởi cơ quan chức năng và dễ chứa các thành phần gây hại. Mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe thường tỉ lệ thuận với thời gian và liều lượng sử dụng của người tiêu dùng.
Bác sĩ Đỗ Thiện Trung – Khoa Laser và Săn sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương cảnh báo, để đạt lợi nhuận cao và tạo hiệu quả nhanh, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả đã sử dụng các chất độc hại bị cấm như corticoid, parabens, formaldehyde, propylen glycol, chì, thủy ngân, kẽm và cyanua. Những thành phần này không chỉ ảnh hưởng đến bề mặt da mà còn có thể gây biến đổi các mô dưới da và các đặc tính lý – hóa của làn da.
Cùng quan điểm, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Oanh – Khoa Da liễu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng. Một số người gặp phản ứng tức thì như nổi mẩn, phát ban, dị ứng, trong khi những trường hợp khác xuất hiện tổn thương muộn hơn như da mỏng đi, giãn mao mạch kéo dài.
Đáng lo ngại hơn, nhiều loại mỹ phẩm giả có chứa kim loại nặng – yếu tố có thể dẫn đến biến đổi gen, tổn thương tế bào, phát sinh các bệnh lý về gan, nội tiết, thậm chí ảnh hưởng tới chức năng sinh sản và nguy cơ vô sinh.
An Dương