Hà Nội: Kiểm tra 56 mẫu, phát hiện 7 mẫu nhiễm khuẩn Salmonella

author 16:26 26/09/2017

(VietQ.vn) - Tháng 8 và 9, Sở NN & PT Nông thôn Hà Nội tiếp nhận kết quả phân tích của 56 mẫu, phát hiện 7 mẫu thịt dương tính với Salmonella, 2 mẫu thủy sản phát hiện kháng sinh Chloramphenicol.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, trong quý III/2017, Sở đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc lấy mẫu giám sát, cảnh báo điều tra truy xuất xử lý tận gốc đối với sản phẩm thực phẩm. Phối hợp với cơ quan chức năng địa phương phát hiện điều tra các chất cấm, kháng sinh, phân bón...

Trong tháng 6 và 7, thực hiện chương trình giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản, các đơn vị thuộc Sở đã tiến hành kiểm tra giám sát và lấy 115 mẫu nông sản gồm 31 mẫu thịt lợn, 25 mẫu thịt gà, 16 mẫu thủy sản, 12 mẫu rau, 11 mẫu quả và 20 mẫu chè. Trong đó, 90 mẫu đã có kết quả phân tích, phát hiện 7 mẫu thịt dương tính với Salmonella, 1 mẫu chè vượt giới hạn cho phép về thủy ngân.

Còn trong tháng 8 và 9, đã tiến hành kiểm tra, giám sát, lấy 27 mẫu nông lâm thủy sản (6 mẫu thịt lợn, 2 mẫu thịt gà, 5 mẫu thủy sản, 9 mẫu rau, 4 mẫu quả, 3 mẫu chè). Tiếp nhận kết quả phân tích của 56 mẫu, phát hiện 7 mẫu thịt dương tính với Salmonella, 2 mẫu thủy sản phát hiện kháng sinh Chloramphenicol.

Tính riêng trong tháng 9, các đơn vị thuộc Sở đã thanh tra 4 cơ sở và kiểm tra 22 cơ sở. Qua đó, đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính 2 đơn vị số tiền 8 triệu đồng.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, đang tiến hành thanh tra 1 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở số tiền 2,1 triệu đồng với hành vi kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật có nhãn mác không đúng quy định, không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Cơ quan chuyên môn Sở đang tiến hành thanh tra, xác minh 1 cơ sở, kiểm tra 15 cơ sở. Qua đó, đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 tổ chức gần 14,66 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính sản xuất sản phẩm hàng hóa không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng, bán sản phẩm, hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố.

Cũng trong tháng 9, các chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra 49 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thú y, thủy sản, nông sản, bảo vệ thực vật, lâm nghiệp. Qua kiểm tra đã xử phạt, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính, thu nộp ngân sách hơn 220 triệu đồng đối với 14 tổ chức, cá nhân vi phạm. Ngoài ra, các chi cục còn tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra 1.327 cơ sở, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 29 trường hợp 52,4 triệu đồng.

Kiểm tra và xử lý các cơ sở kinh doanh không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Ảnh Báo Công thương

Trước đó, thông tin từ Sở Y tế TP Hà Nội cho biết, hiện nay nhiều nông sản được sản xuất an toàn nhưng khi đến tay người tiêu dùng không còn bảo đảm. Đó là do sự lỏng lẻo ở nhiều khâu như: Thu mua, chế biến, vận chuyển, bao gói, phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Dạo một vòng qua các chợ, các khu vực tập trung nhiều hàng quán, ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh chưa đẹp như: Thực phẩm tươi sống bày bán mà không được che đậy cẩn thận; khu vực chế biến không bảo đảm vệ sinh; tình trạng lạm dụng hóa chất, chất phụ gia độc hại trong chế biến thực phẩm vẫn còn tồn tại.

Trên thực tế, hệ thống phân phối sản phẩm ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, mua bán lòng vòng, không hóa đơn chứng từ, thông tin nguồn gốc, xuất xứ còn mập mờ. Chính sự thiếu kiểm soát trong các khâu trung gian này đã khiến thực phẩm bẩn trà trộn vào thực phẩm sạch khi đến tay người tiêu dùng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 10% dân số thế giới bị ngộ độc do ăn thức ăn nhiễm độc, trong số đó có hàng trăm nghìn người bị chết vì nguyên nhân thực phẩm không an toàn.

Ở Việt Nam, tỷ lệ thực phẩm chưa an toàn còn rất cao. Số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm do các tác nhân nấm mốc, vi sinh vật, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích sinh trưởng, kháng sinh, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, thuốc chống ẩm mốc… còn xuất hiện, tồn dư trong thực phẩm sử dụng hàng ngày của người tiêu dùng còn khá cao, đặc biệt là các trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng bởi thực phẩm. Con số thống kê ngộ độc thực phẩm cho thấy số vụ và số người bị ngộ độc không giảm trong những năm gần đây mà còn có dấu hiệu gia tăng.

Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang