Hai người tử vong nghi do ăn da, trứng cóc

author 06:14 02/07/2022

(VietQ.vn) - Mới đây, hai cháu bé 8 tuổi và 2 tuổi ở huyện rẻo cao Đakrông của tỉnh Quảng Trị bị ngộ độc dẫn đến tử vong nghi do ăn da, trứng cóc.

Trước đó, 2 chị em H.T.N.L. (8 tuổi) và H.H.Đ. (2 tuổi) nhặt được "vật lạ", nghi là da, trứng cóc. Do bố mẹ đi vắng nên 2 em đưa về nhà rồi nấu ăn, sau đó bị ngộ độc, bất tỉnh. Đến 17 giờ cùng ngày, người nhà phát hiện, đưa 2 em đi cấp cứu, song cả hai không qua khỏi.

Sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện đã đến chia buồn, động viên và hỗ trợ gia đình 2 cháu. Hiện, Trung tâm Y tế huyện Đakrông đã lấy mẫu thức ăn nạn nhân ăn để kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Trước đó, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên cũng tiếp nhận 3 trường hợp trong cùng 1 gia đình nhập viện với triệu chứng chóng mặt, nôn nhiều, đại tiện phân lỏng nhiều lần, kèm theo tức ngực, khó thở. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân đã mua thịt cóc về nướng ăn.

Sau ăn khoảng 3 giờ, cả 3 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ngộ độc nên được đưa đến viện. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc thịt cóc và được xử trí cấp cứu sau 3 ngày điều trị tích cực với truyền dịch thải độc, chống loạn nhịp tim.

 Chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không tự ý ăn thịt cóc. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Hồ Duy Khánh - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, thịt cóc không độc nhưng các bộ phận như da, trứng, gan, ruột của cóc rất độc. Các bộ phận này chứa Bufotoxin gồm nhiều độc tố rất mạnh và một số hợp chất hữu cơ khác, có tác dụng gây rối loạn nhịp tim nặng, tăng huyết áp, ngừng tim và ức chế hô hấp gây tử vong nhanh nếu ngộ độc nặng.

Theo các nhà chuyên môn, thịt cóc là loại thực phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, trong đó nhiều chất có giá trị như sắt, phốt pho, can xi… và thịt cóc được nói nhiều đến ở công dụng chữa bệnh còi xương, chậm lớn, chứng biếng ăn ở trẻ nhỏ. Dù chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và chữa được nhiều loại bệnh nhưng trong quá trình chế biến thịt cóc rất dễ bị dính các chất độc từ nhựa, gan, mật… cóc gây nguy hiểm sức khỏe và tính mạng con người. Chất độc của cóc như 5-MeO-DMT, bufagin, bufotaline, Epinephrine, Norepinephrine và Serotonin chủ yếu tập trung ở nhựa của cóc (tuyến sau tai, tuyến trên mắt và tuyến trên da), trong gan cóc và trong buồng trứng.

Ở Việt Nam, cóc lại có khắp nơi. Chính vì dễ tìm, dễ bắt, lại chữa được còi xương, suy dinh dưỡng nên ở những vùng nông thôn, các bà mẹ thường truyền nhau kinh nghiệm dùng thịt cóc chăm sóc dinh dưỡng cho con khi thấy trẻ còi cọc, chậm lớn, chậm phát triển chức năng vận động (biết bò, biết đi…).

Bác sĩ Bùi Thị Ngọc Hương – Phó trưởng Khoa chăm sóc sức khỏe trẻ em & phòng chống suy dinh dưỡng, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe tỉnh Đắc Lắk cho rằng: “ Hiện nay, có rất nhiều loại thực phẩm giàu đạm, giàu can xi như thịt bò, thịt gà, tôm, cua… thậm chí còn có những loại thuốc để bổ sung hay chữa bệnh như bị còi xương đã có vitamin D, can xi… không nên mạo hiểm cho trẻ ăn thịt cóc chẳng may trong quá trình chế biến làm nhiễm chất độc từ da, gan, trứng cóc sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ”.

Các nhà chuyên môn cũng khẳng định rằng, thịt cóc là một loại thực phẩm tốt nhưng không vì thế mà chúng ta bỏ qua sự nguy hiểm do chất độc có chứa trong da, nội tạng của cóc. Mỗi người hãy tự trang bị cho mình những kiến thức về chăm sóc sức khỏe. Không tự thịt cóc làm đồ ăn hay thuốc chữa bệnh. Tuyệt đối không nên mua các loại thịt cóc được bán dạo trên thị trường. Tuyên truyền để mọi người cũng nâng cao nhận thức trong việc không sử dụng thịt cóc bởi những chất độc có chứa trong người con cóc.

Anh Thư

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang