Hải quan phát hiện 1.466 vụ việc vi phạm về hàng hóa trong thời gian ngắn
Nguy cơ khi mẹ bầu uống thuốc chống động kinh
Thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Vaseline Vitamin E - Lọ 50g kém chất lượng
Cảnh báo lừa đảo theo hình thức mới: Mạo danh hỗ trợ cấp lại mật khẩu ứng dụng VssID - BHXH số
Theo nhận định của ngành Hải quan, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, vàng, thuốc lá điếu, ngoại tệ, thực phẩm... qua biên giới các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang. Hoạt động vận chuyển hàng hóa gửi kho ngoại quan (Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai) quá cảnh đi Trung Quốc, Campuchia tiếp tục tiềm ẩn rủi ro trong việc đánh tráo, rút ruột thẩm lậu vào nội địa.
Trên tuyến đường biển, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới tập trung vào mặt hàng có lợi nhuận cao như xăng dầu, than, khoáng sản, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, phế liệu, hàng đông lạnh, gia cầm... sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, các chiêu thức mới, hoạt động có tổ chức như ngụy trang tàu chở hàng lậu thành khai thác thủy sản, gia cố các bồn bể trên phương tiện xuất nhập cảnh để che đậy việc mua bán, vận chuyển trái phép hàng lậu...
Lượng lớn ngà voi bị phát hiện tại Hải Phòng. Ảnh: Cục QLTT Hải Phòng
Đặc biệt, mặt hàng động vật hoang dã là ngà voi, sừng tê giác có chiều hướng chuyển dịch từ các cảng biển thuộc khu vực miền Nam, miền Trung ra các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh. Lợi dụng sự thông thoáng về chế độ chính sách, sự phát triển của thương mại điện tử, phương thức chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hoá, hành lý... các đối tượng trong và ngoài nước đã móc nối, cấu kết hình thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua các cảng hàng không quốc tế.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ ngày 16/3/2023 đến 15/04/2023 toàn ngành đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 1.466 vụ việc vi phạm về hàng hóa, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 445 tỷ đồng.
Vụ việc điển hình mới đây nhất tại cảng Nam Hải Đình Vũ (Hải Phòng), Cục Hải quan TP.Hải Phòng chủ trì, phối hợp với Công an TP khám xét 1 container 20 feet chứa ngà voi nhập lậu từ châu Phi với số lượng ước tính khoảng 7 tấn.
Theo nguồn tin từ Cục Hải quan thành phố Hải Phòng, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cục đã phân tích, đánh giá 6 container nghi vấn; trong đó xác định lô hàng gồm 3 container (khai báo là hạt lạc) có dấu hiệu rủi ro rất cao. Cụ thể, lô hàng xuất phát từ Angola, được chuyển tải tại Singapore nhằm che giấu tuyến đường vận chuyển; mô tả tên hàng hóa bằng ngôn ngữ không phổ thông và sử dụng thông tin người nhận hàng không chính xác... Đây là thủ đoạn mới, hết sức tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan Hải quan.
Ngay khi hàng hóa được xếp dỡ xuống cảng, Cục Hải quan Hải Phòng đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành giám sát trọng điểm, kiểm tra hàng hóa bằng máy soi container và kiểm tra thủ công toàn bộ lô hàng sau khi phân tích hình ảnh có nghi vấn. Kết quả khám xét phát hiện trong container mang số hiệu UACU3786863 ước tính chứa khoảng 7 tấn ngà voi, đây là số lượng lớn nhất từ trước đến nay tại cảng Hải Phòng.
Được biết, ngà voi châu Phi do Cục Hải quan Hải Phòng chủ trì bắt giữ thuộc Phụ lục I của Công ước CITES nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, vi phạm quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Vụ việc bắt giữ cho thấy sự chủ động, hiệu quả trong công tác nghiên cứu, thu thập thông tin, kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng, có tính răn đe hiệu quả đối với các đối tượng khác đang có ý định buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa thuộc danh mục CITES về Việt Nam nhằm thu lợi bất chính.
Cũng theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, Hải đội Kiểm soát trên biển khu vực miền Nam (Hải đội 3), Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã phát hiện, bắt giữ trên biển tàu mang biển hiệu Thuận Huệ 68, biển kiểm soát BV-97979-TS chứa hơn 270 tấn dầu FO, không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số hàng hóa trên được chứa tại các hầm trên tàu. Theo khai nhận của thuyền trưởng tàu Thuận Huệ 68, số hàng hóa trên được bơm từ 1 tàu sắt không xác định được tên và số hiệu tại ngoài khơi vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các đơn vị và Cục Hải quan tỉnh, thành phố đẩy mạnh biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, cảng hàng không, vùng biên và địa bàn nội địa. Đồng thời, tiếp tục phát huy tốt vai trò cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, cảnh báo trong công tác chống buôn lậu, GLTM, hàng giả, hàng kém chất lượng, công tác phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm. Cụ thể hóa và triển khai các kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm, thường xuyên cập nhật tình hình ở từng địa bàn nhằm cảnh báo, hướng dẫn địa phương về công tác kiểm soát chống buôn lậu, GLTM trong địa bàn kiểm soát Hải quan.
An Dương